Yên Bái xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030

Chiều ngày 4/8, Ban Chỉ đạo Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo thực hiện kế hoạch số 62/KH-UBND của UBND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
05/08/2022 10:13

Hiện nay, Yên Bái đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vitamin A, thiếu I-ốt và giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ 6 - 60 tháng tuổi được uống vitamin A luôn duy trì trên 99,5%, ổn định cung cấp muối I-ốt trên 95% hộ gia đình, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi dưới 5%... 

Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) cân nặng và chiều cao giảm rõ rệt qua từng năm. Cụ thể: Tỉ lệ SDD  trẻ dưới 5 tuổi  cân nặng/tuổi từ 21,2% năm 2011 giảm còn 15,6% năm 2021 và SDD chiều cao/tuổi giảm từ 32,5% năm 2011 xuống còn 24% năm 2021. Riêng 6 tháng đầu năm, tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi cân nặng/tuổi giảm đáng kể còn 14,73%, ở chiều cao/tuổi còn 23,03%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kế hoạch được xây dựng với mục tiêu nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, dân tộc, địa phương góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. 

Theo đó có 5 mục tiêu cụ thể: Thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi đối tượng; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ; Tiếp tục khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế. 

Từ đó, phấn đấu mọi người dân trên địa bàn tỉnh đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, kiểm soát được các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, đặc biệt là trẻ học đường.

Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ngành, đơn vị liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ và có các giải pháp về cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng; tăng cường về chuyên môn kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xã hội hóa và phối hợp liên ngành. 

Nguồn lực thực hiện kết hợp: Nguồn ngân sách Nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật; nguồn xã hội hóa và các nguồn tài chính hợp pháp khác và việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tại hội thảo, các nhóm thảo luận về khó khăn, thách thức và giải pháp theo nhóm để thực hiện tốt Kế hoạch số 62 của UBND tỉnh tập trung một số nội dung: Chính sách, nhân lực, tài chính, kỹ thuật.

Theo Báo Yên Bái

comment Bình luận

largeer