10 việc bệnh nhân nên làm hàng ngày để ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm

Glôcôm đặt ra một mối quan tâm đáng kể về sức khỏe cộng đồng vì nó là nguyên nhân thứ hai gây mù sau bệnh đục thủy tinh thể và dù điều trị cũng không thể hồi phục phần thị lực đã mất. Vì vậy, bệnh nhân cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh từ sớm và ngăn ngừa tình trạng mất thị lực do Glôcôm.
28/09/2022 15:40

Nhận ra các yếu tố nguy cơ trước khi mất thị lực

Nếu có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa thường xuyên để kiểm tra mắt. Bác sĩ có thể tìm ra bệnh ở giai đoạn đầu, sau đó giúp bệnh nhân theo dõi và điều trị hiệu quả.

Một điều quan trọng không kém đó là nếu đã mắc bệnh, bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Cẩn trọng khi dùng thuốc Steroid

Dùng Steroid trong thời gian dài hoặc với liều lượng cao có thể làm tăng nhãn áp, đặc biệt nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán Glôcôm. Steroid dùng bằng đường uống hoặc sử dụng xung quanh mắt có nhiều khả năng làm tăng nhãn áp.

Luôn trao đổi với bác sĩ nhãn khoa nếu bệnh nhân đang dùng bất kỳ loại Steroid.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ăn khỏe để nhìn khỏe

Hãy ăn nhiều rau xanh lá và trái cây mỗi ngày, chúng chứa các vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ cơ thể và đôi mắt của bạn. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy, ăn các loại thực phẩm tốt cho mắt giúp ngăn ngừa bệnh Glôcôm hơn là uống các loại vitamin.

Tập thể dục nhưng cần cẩn thận

Những bài tập thể dục cường độ cao làm tăng nhịp tim cũng có khả năng lamg tăng nhãn áp. Đi bộ nhanh và tập thể dục thường xuyên với tốc độ vừa phải có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và làm giảm nhãn áp.

Nếu nâng tạ nặng, hãy nhờ huấn luyện viên có chuyên môn hướng dẫn cho bạn cách thở đúng cho bài tập này.

Bảo vệ mắt khỏi các chấn thương

Chấn thương mắt có thể dẫn đến bệnh Glôcôm, vậy nên hãy đeo kính bảo vệ mắt khi chơi thể thao hay tham gia các hoạt động có nguy cơ chấn thương mắt.

Tránh tư thế cúi đầu

Nếu mắc Glôcôm hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao, bạn không nên đặt đầu ở vị trí thấp hơn tim trong thời gian dài. Tư thế cúi đầu có thể làm tăng nhãn áp rất nhiều. Bệnh nhân Glôcôm nặng cần tránh một số tư thế trong tập luyện yoga.

Ngủ đúng tư thế

Nếu bị tăng nhãn áp hãy tránh ngủ với tư thế tựa vào gối hoặc tựa trên cánh tay. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có nguy cơ mắc Glôcôm, khi ngủ ở tư thế sai có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn.

Nếu ngáy nhiều hoặc ngừng thở vào ban đêm, hãy tiến hành kiểm tra hội chứng ngư thở khi ngủ

Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời

Các nghiên cứu đã chứng minh và cảnh báo tia UV có trong ánh sáng mặt trời có thể gây ra một loại Glôcôm. Vậy nên, hãy đeo kính râm và đội mũ rộng vành khi ra khỏi nhà.

Giữ gìn vệ sinh răng miệng

Đã có chứng minh về sự liên quan giữa các bệnh về nướu và tổn thương dây thần kinh thị giác trong bệnh Glôcôm.

Đánh răng, dùng chỉ nha khoa mỗi ngày và đến gặp bác sĩ răng hàm mặt khi có vấn đề về răng miệng là biện pháp tốt nhất góp phần ngăn ngừa bệnh Glôcôm.

Trao đổi với bác sĩ nhãn khoa về thuốc huyết áp đang sử dụng

Nếu huyết áp của bạn giảm thấp quá trong khi ngủ, nó có thể làm trầm trọng thêm các tổn thương do bệnh Glôcôm.

Nếu dùng thuốc huyết áp vào ban đêm hoặc có các triệu chứng huyết áp thấp (như cảm thấy buồn nôn), hãy thảo luận với bác sĩ nhãn khoa. Không được tự ý thay đổi thuốc điều trị huyết áp.

Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2

comment Bình luận

largeer