3 phương thuốc kết hợp hỗ trợ trị bệnh ôn dịch (COVID-19)

Thực tế cho thấy chứng “ôn dịch” trong Y học cổ truyền tương đồng với bệnh COVID-19. Người bệnh có các triệu chứng sốt, thường lúc đầu 38-39 độ, có hắt hơi, ho, đau họng, tức ngực... Bệnh nặng thêm dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi, nhiều đờm đặc, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, cơ thể suy nhược, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
26/05/2021 12:19

 Bệnh ôn dịch thường gặp khi thời tiết thay đổi thất thường, ủ bệnh vào mùa đông, khi gặp phong khí của mùa xuân, có mưa ẩm thấp, phát tác thành dịch. Xin giới thiệu 3 phương thuốc kết hợp trị bệnh.

m1

Mắc bệnh ôn dịch (cũng như COVID-19) thường có các triệu chứng sốt, hắt hơi, ho, đau họng, tức ngực... Bệnh nặng thêm dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi,…

Trị các triệu chứng của bệnh ôn dịch ban đầu, như sốt cao, ho, đờm, tức ngực… Dùng phương “Ngân kiều giải độc”: kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 12g, kinh giới tuệ 6g, đạm đậu xị 12g, ngưu bàng tử 12g, cát cánh 12g, đạm trúc diệp 12g, cam thảo 6g. Công dụng: tân lương giải biểu, thanh nhiệt giải độc. Trị cảm mạo phong nhiệt kèm phát sốt, sợ phong hàn, nhức đầu, ho nhiều, khô miệng, họng đau

m2

Kim ngân hoa là vị thuốc trong bài “Ngân kiều giải độc” trị ôn dịch khi mới mắc với các triệu chứng của bệnh ôn dịch, ban đầu, như sốt cao, ho, đờm, tức ngực…

 Khi bệnh phát triển nặng đi sâu vào phổi, gây viêm phế quản, viêm phổi… Kể  cả những trường hợp nặng như viêm phổi do virus, dùng phương “Tang cúc ẩm gia vị”: tang diệp 12g, cúc hoa 8g, bạc hà 12g, cát cánh 12g, lô căn 12g, hoàng cầm 12g, bạch cương tằm 12g, thuyền thoái 6g, cát căn 12g, liên kiều 12g. Công dụng: tuyên phế, khứ phong, tân lương, thấu biểu. Trị phong nhiệt bế ở phổi (viêm phổi).

m3

Cúc hoa là vị thuốc trong bài “Tang cúc ẩm gia vị” trị ôn dịch khi bệnh nặng, gây viêm phế quản, viêm phổi… Kể  cả những trường hợp nặng như viêm phổi do virus.

Trị viêm phổi kéo dài, kết hợp phương “Sa sâm sơn dược thang” gồm 2 vị sa sâm 15g, hoài sơn 15g. Công năng: bổ ích phế khí, kiện tỳ hóa đờm. Trị phế khí hư tổn, vệ khí không vững, ngoại tà xâm nhập, hỏa nhiệt đốt nóng phần âm, sinh đờm nhiệt, gây viêm phổi.

m4

Sa sâm là vị thuốc trong bài “Sa sâm sơn dược thang” trị ôn dịch khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, viêm phổi kéo dài.

Sau khi lược bỏ một số vị trùng nhau, ta được phương kết hợp để trị bệnh ôn dịch: kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 12g, kinh giới tuệ 6g, đạm đậu xị 12g, ngưu bàng tử 12g, cát cánh 12g, đạm trúc diệp 12g, cam thảo bắc 6g, tang diệp 12g, cúc hoa 8g, lô căn 12g, hoàng cầm 12g, bạch cương tằm 12g, thuyền thoái 6g, cát căn 1 g, sa sâm 15g, hoài sơn 15g. Công dụng chung của phương là thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt táo thấp, bổ ích phế khí, kiện tỳ, hóa đờm. Trị, sốt cao, sợ lạnh, hắt hơi, ho nhiều, đờm vàng, sánh, khó thở, người mệt mỏi hoặc những trường hợp viêm phổi do virus hay viêm phổi kéo dài dẫn đến tình trạng suy kiệt cơ thể, nguy hiểm đến tính mạng.

Cách chế biến các vị thuốc

Kim ngân hoa (Flos Lonicerae japonicae): nụ hoa kim ngân, cây mọc hoang và được trồng ở khu vực phía bắc, thu hái khi hoa chưa nở, phơi khô hoặc sấy khô.

Liên kiều (Fructus Forsythiae suspensae) là quả liên kiều, hiện còn phải nhập. Chỉ lấy 2 mảnh vỏ khô, sao vàng làm thuốc.

Bạc hà (Herba Menthae arvensis): bộ phận trên mặt đất của cây bạc hà, hiện đã được trồng nhiều ở một số tỉnh phía bắc, thu hái xong phơi khô hoặc sấy nhẹ, cắt đoạn, vi sao.

Kinh giới tuệ (Herba Elsholtziae ciliatae): ngọn có hoa của cây kinh giớii, được trồng ở nhiều nơi, cắt lấy ngọn hoa phơi khô hoặc sấy nhẹ.

Đạm đậu xị (Semen Vignae cylindricae praeparatae): hạt đậu đen nấu chín, ủ lên men, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Ngưu bàng tử (Semen Arctii lappae): hạt cây ngưu bàng, sao vàng.

Cát cánh (Radix Platycodi grandiflori): rễ cây cát cánh, đã được trồng nhiều nơi ở nước ta, phơi khô, thái mỏng, sao vàng.

Đạm trúc diệp (Herba Lophateri): toàn cây cắt đoạn của cây đạm trúc diệp, dùng tươi hoặc khô.

Cam thảo bắc (Radix et Rhizoma Glycyrrhizae) thái phiến mỏng, sao vàng.

Tang diệp (Folium Mori albae): lấy lá bánh tẻ bỏ cuống của cây dâu, phơi khô, vi sao.

Cúc hoa (Flos Chrysanthemi indici): hoa của cây cúc hoa vàng, phơi khô hoặc sấy nhẹ, vi sao.

Lô căn (Rhizoma Phragmitis): rễ của cây lau, thái phiến, sao vàng.

Hoàng cầm (Radix Scutellariae): rễ của cây hoàng cầm, thái phiến, sao vàng.

Bạch cương tằm (Bombyx Botryticatus): con tằm chết trắng bởi nấm, phơi hoặc sấy khô.

Thuyền thoái (Periostracum Cicadae): xác ve sầu bỏ chân, bỏ đầu.

Cát căn (Radix Puerariae thomsonii): rễ sắn dây, phơi khô, thái phiến sao qua.

Sa sâm (Radix Glehniae): rễ của cây bắc sa sâm, thái mỏng, sao vàng.

Hoài sơn (Tuber Dioscoreae persimilis) là rễ của cây củ mài, phơi khô, thái mỏng, sao vàng.

Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày một thang, sắc 3 lần, trộn đều nước sắc lại rồi chia 3 lần uống trước bữa ăn 1 giờ. Lưu ý: các vị bạc hà, kinh giới, cúc hoa cho vào sắc ở nước thứ 3 để tránh bị mất các chất tinh dầu.

Để phục vụ cho số đông người, có thể tiến hành bào chế dưới dạng cốm tan. Để thu được tối đa hoạt chất, những vị thuốc chứa tinh dầu như bạc hà, kinh giới cúc hoa, đem cất lấy riêng phần tinh dầu. Phần bã cho vào sắc chung với các vị thuốc còn lại. Sau khi cô được cao, làm bột, thì tiến hành phun tinh dầu vào bột, làm cốm.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh (Theo SKDS)

comment Bình luận

largeer