5 thay đổi sức khỏe quan trọng có thể phát hiện qua xét nghiệm máu

Nhiều căn bệnh ẩn giấu trong cơ thể qua thời gian dài, thậm chí không biểu lộ triệu chứng ngay cả khi nó bộc phát và cần đến sự can thiệp y khoa. Nhưng xét nghiệm máu thường xuyên giúp chúng ta nhận biết những thay đổi quan trọng của sức khỏe một cách từ từ, nhờ đó có thể cải thiện lối sống hoặc can thiệp sớm để bảo vệ bản thân.
23/06/2023 15:32

Phát hiện tác động của thay đổi chế độ ăn uống

Tiến sĩ Anders Lycksell - chuyên gia về xét nghiệm máu người Thụy Điển cho biết, nếu bạn đang điều chỉnh chế độ ăn uống, xét nghiệm máu sẽ cho thấy ảnh hưởng của sự thay đổi này theo thời gian. Theo đó, xét nghiệm máu sẽ cho thấy nồng độ cholesterol tốt (HDL), cholesterol xấu (LDL) và triglyceride thay đổi dựa trên những gì bạn tiêu thụ. Chẳng hạn, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy, áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải trong một năm có thể kiểm soát tình trạng mỡ trong máu cao và giảm đường huyết lúc đói, từ đó hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Sự cải thiện này có thể nhận biết qua xét nghiệm máu.

Ảnh: Telegraph

Ảnh: Telegraph

Nhận diện tình trạng mất nước

Mất nước có thể gây táo bón, nhức đầu và chóng mặt. Người bình thường sẽ cảm thấy khát nước khi mất nước nhưng trong một số trường hợp, đặc biệt là người già (thường giảm cảm giác khát nước) hoặc người đổ mồ hôi nhiều do tập luyện, đôi khi cần xét nghiệm máu mới có thể xác định tình trạng này. Mất nước cũng thường xuất hiện ở người có nồng độ đường huyết cao (triệu chứng của tiền tiểu đường hoặc tiểu đường). Do đó, xét nghiệm máu để biết số lượng tế bào máu, các chỉ dấu sinh học của thận và các chất điện giải như natri, kali và nồng độ đường huyết khi đói có thể xác định tình trạng mất nước tốt hơn.

Tình trạng uống thuốc quá liều

Dùng dược phẩm và thuốc bổ đôi khi cần thiết đối với sức khỏe nhưng uống quá liều có thể gây hại. Chẳng hạn, uống quá liều thuốc trị tiểu đường có thể khiến đường huyết hạ thấp quá mức, gây chóng mặt và mệt mỏi. Trong khi đó, bổ sung quá nhiều chất sắt có thể khiến cơ thể tích trữ chất sắt vượt mức bình thường, có thể gây tổn thương gan, khớp, tuyến tụy và tim. “Chúng tôi đã gặp nhiều người có hàm lượng vitamin B12 và D cao do bổ sung vitamin quá mức hoặc những người thiếu hụt vitamin, cả hai tình trạng đều ảnh hưởng cho sức khỏe về lâu dài”, Tiến sĩ Lycksell cho biết thêm.

Phát hiện dấu hiệu tổn thương gan

Theo Tiến sĩ Lycksell, xét nghiệm máu về chức năng gan có thể giúp phát hiện chứng gan nhiễm mỡ do tiêu thụ thức uống có cồn hoặc do chế độ ăn (gan nhiễm mỡ không do rượu - NAFLD). Các yếu tố nguy cơ đối với NAFLD gồm béo phì, mỡ trong máu cao (đặc biệt là triglyceride) và lượng đường trong máu cao. NAFLD có thể dẫn đến suy gan nhưng nếu phát hiện và kiểm soát kịp thời, chúng ta có thể ngăn nó chuyển biến xấu hơn đồng thời kéo giảm lượng mỡ trong gan.

Phát hiện dấu hiệu tiền tiểu đường

Xét nghiệm máu không chỉ giúp đo nồng độ đường huyết hiện tại mà còn có thể xác định chỉ số đường huyết trong 2-3 tháng qua. Điều này có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường típ 2 cũng như phát hiện những người có nguy cơ phát triển bệnh này bằng cách nhận biết các dấu hiệu tiền tiểu đường – đường huyết cao bất thường nhưng thấp hơn ngưỡng để xác định bị tiểu đường.

Theo Telegraph

comment Bình luận

largeer