7 liệu pháp tự nhiên giúp chữa chứng phù nề

Chứng phù nề xảy ra khi lượng chất lỏng dư thừa tích tụ trong các mô của cơ thể, đặc biệt là ở tay, chân, cánh tay, mắt cá chân và bàn chân.
30/01/2023 12:09

Chứng phù nề bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau (như mang thai, dùng thuốc, suy tim sung huyết, bệnh thận hoặc xơ gan), với các triệu chứng thường gặp như đau bụng, buồn nôn, huyết áp cao, cứng khớp, suy yếu, bất thường về thị lực, sưng da... Nếu chỉ bị phù nhẹ, bạn có thể áp dụng các biện pháp tự nhiên dưới đây để giảm sưng và cảm giác khó chịu:

Tắm nước muối Epsom

Muối Epsom (hay magnesium sulfate) có đặc tính kháng viêm nên có thể làm giảm tình trạng sưng và đau do phù nề. Đơn cử, để giảm sưng chân, bạn chỉ cần hòa khoảng 220g muối vào nước tắm rồi ngâm chân từ 15-20 phút. Kiên trì ngâm chân trong nước muối mỗi ngày cho đến khi bớt sưng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mát-xa khu vực bị sưng phù

Mát-xa là một liệu pháp tuyệt vời để giảm đau và sưng cho đôi bàn chân đang phù nề. Theo đó, bạn chỉ cần xoa bóp bàn chân theo hướng vuốt lên trên với những động tác xoa bóp dứt khoát và đè nắn nhẹ nhàng. Điều này sẽ hỗ trợ loại bỏ chất lỏng ra khỏi bàn chân và giảm sưng, cũng như giúp thư giãn cho bàn chân.

Uống trà gừng

Hợp chất gingerol trong gừng có đặc tính chống viêm và chống ôxy hóa. Do vậy, uống trà gừng hằng ngày sẽ giúp giảm đau và sưng do phù nề. Việc bạn cần làm là nghiền một miếng gừng rồi đun sôi trong nước khoảng 10 phút. Sau đó lọc bỏ phần xác và uống nước khi còn ấm.

Thoa tinh dầu tràm trà

Các thành phần kháng khuẩn, kháng nấm, giảm đau và chống viêm trong tinh dầu cây tràm trà có thể giúp giảm đau và sưng do chứng phù nề. Để sử dụng, bạn nhỏ 4-5 giọt dầu vào một miếng bông rồi thoa nhẹ lên vùng bị sưng. Đều đặn thực hiện 2 lần/ngày để tăng hiệu quả.

Hạt ngò rí

Theo nghiên cứu, hạt ngò rí chứa alcaloid, nhựa resin, tannin, sterol, flavones và tinh dầu – những thành phần kháng viêm có khả năng điều trị chứng phù nề. Cách dùng là đun sôi 1 ly nước với 3 ly hạt rau ngò rí cho đến khi nó sắc lại còn phân nửa. Lọc lấy phần nước và uống 2 lần/ngày.

Chườm nóng/lạnh

Chườm nóng giúp làm tăng lượng máu lưu thông tại vùng bị sưng, nên giúp làm giảm đau và sưng. Chườm lạnh cũng giúp điều trị phù nề, bằng cách làm tê liệt vùng bị sưng phù và giảm viêm. Để chườm nóng, bạn dùng khăn sạch ngâm trong nước ấm rồi quấn quanh khu vực bị sưng trong khoảng 5 phút.

Dầu mù tạc

Nhờ chứa hợp chất kháng viêm allyl isothiocyanate, nên loại dầu này có công dụng giảm viêm, đau và sưng do phù nề. Bạn chỉ cần làm ấm nửa ly dầu mù tạc rồi nhẹ nhàng dùng dầu mát-xa vùng da bị sưng. Thực hiện 2 lần/ngày.

Theo Boldsky

comment Bình luận

largeer