Thiếu máu: Dấu hiệu âm thầm và cách phát hiện sớm

Thiếu máu là tình trạng phổ biến nhưng dễ bị nhầm với mệt mỏi. Nếu không phát hiện sớm, nó có thể gây hại cho tim mạch, thần kinh và giảm chất lượng sống.
03/07/2025 20:09

Dấu hiệu âm thầm cảnh báo thiếu máu

Thiếu máu xảy ra khi cơ thể không đủ hồng cầu hoặc lượng hemoglobin trong máu thấp, khiến ô-xy không được vận chuyển đầy đủ đến các cơ quan. Tình trạng này thường âm thầm với các dấu hiệu như mệt mỏi kéo dài, khó tập trung, cảm giác kiệt sức dù ngủ đủ giấc, kèm suy giảm trí nhớ và dễ cáu gắt. 

Người bệnh cũng có thể bị chóng mặt, hoa mắt, choáng váng khi thay đổi tư thế hoặc vận động nhanh, cảm thấy mất thăng bằng như say tàu xe. Da xanh xao, môi nhợt, tay chân lạnh, tê bì nhẹ, tim đập nhanh, hồi hộp, khó thở nhẹ khi vận động cũng là những dấu hiệu điển hình. Ngoài ra, tóc dễ gãy rụng, móng tay khô giòn, có sọc dọc hoặc lõm bất thường. Các triệu chứng này thường diễn tiến từ từ và dễ bị nhầm lẫn với stress, suy nhược cơ thể hoặc dấu hiệu lão hóa, khiến nhiều người chủ quan không thăm khám sớm.

thieu-mau-01

Các dấu hiệu thiếu máu thường dễ nhầm lẫn với  mệt mỏi thông thường (Ảnh minh họa)

Những nhóm dễ bị thiếu máu và nguyên nhân thường gặp

Thiếu máu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người ăn chay trường là các nhóm có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân phổ biến bao gồm thiếu sắt, vitamin B12 hoặc axit folic, chảy máu tiêu hóa, kinh nguyệt kéo dài. Hay các bệnh mạn tính như viêm dạ dày, bệnh thận, ung thư; hoặc mất máu do chấn thương, phẫu thuật. 

Bên cạnh đó, chế độ ăn không đủ dinh dưỡng, hấp thu kém, lạm dụng thuốc giảm đau, uống trà hoặc cà phê ngay sau bữa ăn (gây cản trở hấp thu sắt) cũng là những nguyên nhân thường bị bỏ qua.

thieu-mau-02

Chế độ ăn uống không đầy đủ dễ dẫn đến thiếu máu (Ảnh: minh họa)

Cách phát hiện sớm và phòng ngừa thiếu máu hiệu quả

Cách chính xác nhất để phát hiện thiếu máu là xét nghiệm máu tổng quát, đặc biệt kiểm tra chỉ số hemoglobin, hematocrit và số lượng hồng cầu. Việc xét nghiệm định kỳ giúp nhận biết sớm thiếu máu tiềm ẩn ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Để phòng ngừa thiếu máu, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Ăn uống đầy đủ sắt và vitamin: Tăng cường thực phẩm giàu sắt dễ hấp thu như thịt đỏ, gan, hải sản, trứng; kết hợp rau xanh đậm và trái cây giàu vitamin C (cam, ổi, kiwi) để hỗ trợ hấp thu sắt.

- Ăn uống đúng cách: Tránh uống trà, cà phê trong 1-2 giờ sau bữa ăn. Hạn chế rượu bia, thuốc giảm đau vì có thể làm giảm hấp thu sắt.

- Bổ sung sắt khi cần: Phụ nữ mang thai, người ăn chay trường hoặc người có bệnh thiếu máu mạn tính nên bổ sung sắt hoặc thực phẩm chức năng theo hướng dẫn bác sĩ.

- Tập thể dục đều đặn: Giúp máu lưu thông tốt, kích thích sản sinh tế bào máu mới.

- Khám sức khỏe định kỳ: Người thuộc nhóm nguy cơ cao nên kiểm tra máu ít nhất mỗi 6 tháng.Không nên tự ý dùng thuốc bổ sung sắt khi chưa xác định rõ nguyên nhân thiếu máu. Việc bổ sung sai cách có thể gây táo bón, rối loạn tiêu hóa hoặc tích tụ sắt gây hại cho gan. Nếu nghi ngờ bị thiếu máu, hãy thăm khám và xin ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị phù hợp. Phát hiện sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả, tránh biến chứng lên tim mạch, hệ thần kinh và làm suy giảm sức khỏe tổng thể.

thieu-mau-03

Vận động đều đặn giúp máu lưu thông tốt hơn (Ảnh minh họa)

Đặng Sâm (Tổng hợp)

comment Bình luận