7 loại thực phẩm chứa nhiều đường hơn bạn nghĩ

Mỗi ngày, lượng đường nạp vào cơ thể phù hợp đối với phụ nữ là 24g và đối với nam là 36g. Việc sử dụng nhiều đường hơn mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một số thực phẩm dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra những thực phẩm chứa nhiều đường hơn bạn nghĩ.
12/06/2021 06:08
Thuc-Pham-Nhieu-Duon

 Một số thực phẩm chứa nhiều đường hơn chúng ta tưởng như: tương cà, bơ đậu phộng, trái cây sấy khô, thực phẩm đóng hộp,...

1. Sốt rau, quả đóng hộp

Có nhiều loại nước sốt đóng hộp được bán trên thị trường nhưng phổ biến nhất là sốt cà chua (trong món mì Ý). Đây là loại nước sốt được cho là thực phẩm lành mạnh vì là sự kết hợp giữa nước và cà chua nguyên chất. Tuy nhiên, để cân bằng độ chua của cà chua, nhà sản xuất phải sử dụng rất nhiều đường. Vì vậy, 1 hộp sốt cà chua chứa hàm lượng đường khá lớn, bạn nên chú ý lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày.

2. Sữa chua ít béo

Theo Brightside, mặc dù thực phẩm ít béo có thể thu hút những người đang theo đuổi lối sống lành mạnh, không phải thực phẩm ít béo nào cũng có thể ăn bao nhiêu tuỳ thích. Sữa chua ít béo là một ví dụ.

Nhằm giảm bớt hương vị và độ đặc béo của chất béo, nhà sản xuất thường bổ sung một chút đường vào sữa chua. Dù nhiều loại sữa chua ít béo, có hương vị nhưng vẫn chứa chất ngọt không tốt cho sức khỏe như đường sucrose hoặc siro ngô có hàm lượng fructose cao.

3. Sốt salad không béo

Nước trộn salad không béo có ít chất béo và calo hơn sữa chua không béo nhưng loại nước sốt này lại bị tăng lượng đường. Một thìa nước sốt salad làm sẵn có thể chứa khoảng 7-10g chất béo.

Các chuyên gia khuyên bạn nên tự làm nước sốt salad tại nhà để đảm bảo không thêm đường và chất bảo quản. Bên cạnh đó, bạn có thể làm nước sốt trộn salad tại nhà với các nguyên liệu lành mạnh như: dầu ô liu, 2 muỗng giấm, một ít muối và tiêu.

4. Tương cà

Giống như nước sốt cà chua, tương cà chua được đánh giá là một trong những gia vị phổ biến nhất trên thế giới vì hương vị thơm ngon và tính tiện lợi. Tuy nhiên, mỗi muỗng canh tương cà chứa khoảng 4g đường. Hầu hết loại tương cà được bán trên thị trường đều chứa một lượng sirô ngô có đường fructose cao. Thành phần này liên quan đến bệnh béo phì và bệnh tim.

5. Bơ đậu phộng

Bơ đậu phộng tự nhiên cung cấp nguồn protein dồi dào, chứa ít đường hoặc không chứa đường. Trong khi đó, một số loại bơ đậu phộng công nghiệp thì chứa nhiều dầu và đường không tốt cho sức khỏe. Một số loại bơ đậu phộng có thể chứa tới 8g đường trên mỗi muỗng canh. Để chọn được loại bơ đậu phộng chất lượng, bạn nên đọc kỹ bảng thành phần trước khi mua.

6. Khoai tây chiên

Một túi khoai tây chiên có thể chứa hàm lượng đường khoảng 3-5%. Đặc biệt, các loại khoai tây chiên có hương vị thịt nướng, ớt ngọt, mật ong, hoặc khoai tây chiên sấy khô ngọt sẽ chứa nhiều đường hơn. Khoai tây chiên cũng chứa nhiều carbonhydrat, lượng carb này được cơ thể chuyển hóa thành đường glucose.

7. Trái cây sấy khô

Trái cây sấy khô được xem là món ăn nhẹ lành mạnh và giàu vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa. Trong quá trình sấy khô, nước trong trái cây được loại bỏ hoàn toàn, đường được nén tất cả vào trái cây bị sấy teo lại. Vì vậy, trái cây khô sẽ có hàm lượng đường tự nhiên rất cao.

(Theo laodong)

 

comment Bình luận

largeer