Phát huy vai trò của Báo chí cách mạng Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa, xứng đáng là “tiếng nói” của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
02/05/2024 14:58

1. Đặt vấn đề

99 năm đồng hành cùng dân tộc, Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa, xứng đáng là “tiếng nói” của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thực tiễn cách mạng cho thấy, báo chí đã, đang phản ánh kịp thời, toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thắng lợi, thành tựu của cách mạng, đất nước; đồng thời phản ánh sinh động đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Báo chí góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đứng trước nguy cơ các thế lực phản động không ngừng công kích, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò chủ chốt, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là phát huy tốt vai trò của báo chí. Sau gần một thế kỉ hình thành và phát triển, mặc dù đã có nhiều đổi mới và có bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, báo chí hiện nay còn một số hạn chế cần phải quan tâm, nghiên cứu, khắc phục để tìm ra giải pháp phù hợp, nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

baochi

(Ảnh minh họa: Tạp chí Lý luận chính trị)

2. Nội dung

2.1. Vị trí, vai trò của Báo chí trong sự nghiệp cách mạng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tầm quan trọng của báo chí, coi báo chí là một thành tố không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén, động lực thúc đẩy cách mạng phát triển không ngừng. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, báo chí là một động lực quan trọng, đội ngũ phóng viên chính là những chiến sỹ, ngòi bút của họ chính là những vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Thông qua ngòi bút của mình, các nhà báo, tố cáo tội ác và cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc thực dân, đồng thời tuyên truyền về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè trên thế giới đối với cuộc kháng chiến. Người chỉ rõ, báo chí chỉ có một nhiệm vụ xuyên suốt, đó là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (1).

Trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, Báo chí góp phần to lớn vào việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phản ánh hiện thực đời sống xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đồng thời đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần to lớn nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy quan hệ ngoại giao không ngừng phát triển... Báo chí phải phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước: “Báo chí của ta thì cần phục vụ Nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng” (2).

Để báo chí luôn phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng nói chung, Người yêu cầu mỗi tờ báo phải luôn đổi mới, tổ chức một cách hợp lý để tiết kiệm, chống lãng phí tiền của của Nhà nước và Nhân dân, nhưng hiệu quả, thiết thực: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc” (3).

Người yêu cầu, khi đặt bút viết, người viết cần phải điều tra kỹ lưỡng để khen - phê sao cho đúng sự thật, đảm bảo tính khách quan và coi đó là một nhiệm vụ vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng: “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc” (4).

Trải qua 99 năm xây dựng, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay Báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu thống kê đến năm 2023, cả nước có 876 cơ quan báo chí, trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh – truyền hình. Có khoảng 41.000 người công tác tại các cơ quan báo chí, 20.508 người được cấp thẻ nhà báo, có trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị vững vàng.

Những số liệu nêu trên là minh chứng khẳng định, Báo chí cách mạng Việt Nam là nền báo chí do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, xây dựng và lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng chính trị, kim chỉ nam cho hành động. Đồng thời, báo chí cách mạng Việt Nam chính là lực lượng xung kích, đi đầu trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chỉ thị số 22/CT-TW của Bộ Chính trị ngày 17/10/1997, khẳng định: “Báo chí – xuất bản đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức chính trị, xã hội và diễn đàn của Nhân dân; luôn luôn đi đầu trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước” (5).

Để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đến năm 2045, đối với lĩnh vực báo chí, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cẩu, nhiệm vụ: “ Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” (6)

2.2. Vị trí, vai trò của báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Nhận thức được tầm quan trọng của báo chí đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đặc biệt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đảng ta đã đề ra nhiều nghị quyết nhấn mạnh vị trí vai trò, trách nhiệm của báo chí góp phần vào sự nghiệp phát triển trường tồn của dân tộc và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư ngày 22/11/2017 về “tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, trong đó nhấn mạnh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Ngày 08/4/2020, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam”. Chỉ thị đã chỉ ra những thuận lợi, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của mạng xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch đã tác động đối với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng năm 2021 nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông chủ lực đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền thiết yếu, làm chủ mặt trận thông tin”.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò hàng đầu của báo chí cách mạng Việt Nam đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và Nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội. Tiếp tục thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển, quản lý báo chí, xuất bản; tăng cường định hướng và đề cao sứ mệnh, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội; tăng cường định hướng thông tin, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ đoàn kết nội bộ. Quản lý và đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc lập và sử dụng mạng xã hội trên Internet” (7).

Thông qua các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã cho thấy đường lối, chủ trương của Đảng về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, có hệ thống tại các cơ quan báo chí từ Trung ương xuống cơ sở. Từ chủ trương trên, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình cả nước trên cơ sở điều kiện thực tiễn của mình đã có nhiều biện pháp tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo, không ngừng tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước một cách sâu rộng, có hiệu quả đến mọi tầng lớp Nhân dân. Qua đó, giúp người dân nắm bắt kịp thời những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kịp thời phản bác các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc phát huy vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: tình trạng “báo hóa” tạp chí chủ yếu diễn ra trên môi trường điện tử; Công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí còn nhiều hạn chế, khó khăn; Chất lượng nguồn nhân lực ở một số cơ quan báo chí thực sự có tâm – tầm – tài chưa tương xứng với vai trò và vị trí tiên phong trong công tác định hướng dư luận xã hội với xu thế phát triển của truyền thông hiện đại trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ...

Để tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới hiện nay, cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, phát huy mạnh mẽ vai trò là “vũ khí sắc bén” trong cuốc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để thực hiện được điều đó, cần chú trọng đến chất lượng, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan báo chí, đặc biệt là các tờ báo, tạp chí lớn của Đảng và Nhà nước cần mở rộng và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục định kỳ theo tuần, tháng với các chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần chủ động thích ứng với chuyển đổi số, đa dạng hóa phương thức và nội dung tuyên truyền, đảm bảo chất lương thông tin chính xác, kịp thời.

Thứ hai, không ngừng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Quan tâm xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí, thường xuyên thực hiện xây dựng, chỉnh đốn đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình, kiên quyết loại bỏ, khắc phục những biểu hiện buông lỏng, xem nhẹ công tác lãnh đạo đối với các cơ quan báo chí. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc định hướng thông tin, quản lý phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, phóng viên vi phạm luật báo chí, đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ làm ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

Tổ chức tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2021, “Về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”. Chấn chỉnh kịp thời, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, bảo đảm báo chí thực sự là món ăn tinh thần phục vụ Nhân dân, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, góp phần vào thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ nhà báo, phóng viên thực sự có tài, có đức, có tâm, có tầm. Người làm báo phải luôn thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “làm báo chính là làm cách mạng, người làm báo là người làm cách mạng với một mục đích duy nhất là phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân”. Ngòi bút của người làm báo chính là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, góp phần đem lại cuộc sống tự do ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” (8).

Do vậy, các cơ quan báo chí cần coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, nhà báo, phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ nhà báo phải thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”, thường xuyên “rèn bút, luyện nghề” với một tôn chỉ “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, thực hiện theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo, cần chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, lập trường kiên định, vững vàng, nâng cao “sức đề kháng” và khả năng “miễn dịch” của người làm báo trước sự lôi kéo, cám dỗ của các lực lượng phản động, trước các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng niềm tin tưởng tuyệt đối vào lẽ phải, vào chính nghĩa, vào tương lai tốt đẹp của dân tộc, đất nước, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới của Đảng; luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu: “dân giàu, xã hội dân chủ công bằng văn minh”. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực, thỏa đáng về vật chất, tinh thần để động viên, khuyến khích, nâng cao đời sống cho đội ngũ nhà báo yên tâm gắn bó với nghề và luôn giữ vững phẩm chất, đạo đức của người làm báo cách mạng.

Thứ tư, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý báo chí trên không gian mạng và sử dụng internet, mạng xã hội. Năm 2023, dân số Việt Nam là 100,3 triệu người, trong đó tỷ lệ người dùng Internet là 77 triệu người, chiếm hơn 79,1% dân số (trong đó số người dùng mạng xã hội đạt trên 70 triệu người). Các mạng xã hội được người Việt Nam sử dụng phổ biến là Facebook, Zalo, Youtube, Instagram…, Không gian mạng ở Việt Nam đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch khai thác, sử dụng thành công cụ chống phá Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, việc kiểm soát, quản lý báo chí trên không gian mạng trong thời đại công nghiệp 4.0 là vấn đề cực kỳ thiết yếu. Từ đó đặt ra yêu cầu cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và có các giải pháp kỹ thuật phù hợp với sự phát triển nhanh của internet, mạng xã hội. Không ngừng đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để bắt kịp thời đại công nghệ 4.0, từng bước hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động báo chí. Phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

2.3. Liên hệ thực tiễn Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng

Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng tiền thân là Báo Sức Khỏe Cộng Đồng được thành lập từ năm 2013. Thực hiện chủ trương quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 Báo Sức Khỏe Cộng Đồng chuyển thành Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng. Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng là tạp chí, cơ quan ngôn luận của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, tạp chí có các chuyên mục định kỳ về sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, sức khỏe học đường và cập nhật các tin tức thời sự, văn hóa, chính trị, thể thao trong và ngoài nước. Tạp chí hiện có 01 ấn phẩm tạp chí in và 3 ấn phẩm điện tử gồm: https://suckhoecongdongonline.vn, chuyên trang điện tử Sức khỏe 24h và chuyên trang điện tử Alo Bác sĩ.

z5400922662457_cd452d6fa1c7ce7fd08fc98ea550957a

Tuy là tạp chí về sức khỏe, nhưng Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, trực tiếp là Chi bộ, đồng chí Tổng Biên tập, hàng năm Tạp chí đã ban hành kế hoạch trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phản ánh việc xây dựng và triển khai thực hiện chế độ, chính sách về chăm sóc sức khỏe Nhân dân với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan. Thực hiện tuyên truyền nhân các sự kiện kỷ niệm quan trọng trong năm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Tạp chí đã xuất bản nhiều bài có giá trị nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Chiến thắng Điện Biên Phủ, Cách mạng Tháng Tám,… tham gia cuộc thi viết chính luận về Bảo về nền tảng tư tưởng, do Đảng ủy khối doanh nghiệp Quận tổ chức…

3. Kết luận

Hơn nửa chặng đường của Đại hội XIII đã đi qua, đất nước, dân tộc, con người từng bước đổi mới phát triển. Tuy nhiên, đứng trước thế giới biến động khó lường với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những khó khăn chưa có tiền lệ, nhưng với bản lĩnh chính trị, Đảng ta vẫn luôn “vững chí bền gan” tiếp tục thực hiện công mục tiêu của công cuộc đổi mới. Không ngừng, kiên quyết đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, phản động lợi dụng chiêu bài tự do, dân chủ để kêu gọi thực hiện đa nguyên, đa đảng, gây chia rẽ nội bộ trong Đảng, làm giảm uy tín của Đảng, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,… Trong bối cảnh đó, báo chí cần phải phát huy vai trò tiên phong của mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.171.

2. Sđđ, tập 12, tr.166

3. Sđđ, tập 11, tr.363

4. Sđđ, tập 7, tr. 405.

5. Bộ Chính trị, Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 17/10/1997 Về tiếp tục đổi mới, tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.146.

7. Kết luận Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr.131.

Thạc sĩ Vũ Văn Chương

 

comment Bình luận

largeer