9 cách giúp bạn tự kiểm tra sức khỏe tại nhà

Các chuyên gia cho biết, đôi khi bạn không cần đến bệnh viện mà vẫn có thể đánh giá nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, chứng giãn tĩnh mạch, suy giảm thị lực hoặc chức năng của tim, ruột… bằng một số thao tác tự kiểm tra đơn giản như sau:
11/04/2023 07:53

Đo vòng cổ kiểm tra nguy cơ tiểu đường

Hãy dùng thước dây để đo chu vi vòng cổ của bạn, nếu trên 36 cm ở phụ nữ và trên 39 cm ở nam giới thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường. Nghiên cứu của các nhà khoa học Bulgaria cho thấy, đo vòng cổ giúp dự đoán nguy cơ mắc tiểu đường hiệu quả hơn là đo vòng eo - đặc biệt đối với những người thừa cân hoặc béo phì. Theo đó, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên bắt đầu chiến lược phòng ngừa bởi họ chắc chắn sẽ phát triển hội chứng chuyển hóa (nhóm triệu chứng gồm béo phì, cao huyết áp) dẫn đến tiểu đường tuýp 2, đau tim và đột quỵ.

Ăn bánh lạt hoặc bánh quy không đường dự đoán khả năng tăng cân

Lưu ý thời điểm cảm nhận vị ngọt của bánh sau khi cắn miếng đầu tiên. Đây là cách đánh giá khả năng xử lý chất bột-đường (carbohydrate)  hoặc chuyển hóa chúng thành mỡ của cơ thể. Nếu mất dưới 14 giây mới thấy ngọt miệng, bạn có thể tiêu thụ nhiều carbohydrate trong chế độ ăn uống, còn nếu lâu hơn 30 giây, cơ thể bạn không chuyển hóa carbohydrate hiệu quả - đồng nghĩa bạn có thể tích trữ nhiều calorie và dễ tăng cân.

Gập người chạm tay vào đầu ngón chân có thể giúp nhận biết nguy cơ bệnh tim. Ảnh: Youtube.com

Gập người chạm tay vào đầu ngón chân có thể giúp nhận biết nguy cơ bệnh tim. Ảnh: Youtube.com

Xem màu mắt cá chân kiểm tra chứng giãn tĩnh mạch

Hãy so sánh màu sắc của các mắt cá chân. Nếu phần da mắt cá chân của 1 bên chân sậm màu hơn so với bên còn lại, bạn có khả năng bị giãn tĩnh mạch ở chân đó. Theo Tiến sĩ Mark Whiteley ở Viện Whiteley (Anh), chứng giãn tĩnh mạch gây ra tình trạng viêm ở các mạch máu vùng mắt cá chân, khiến vùng da ở đó trở nên tối màu.

Chạm ngón chân đánh giá nguy cơ bệnh tim

Ngồi trên sàn nhà, dựa lưng và đầu vào tường, sau đó gập người để chạm tay vào các ngón chân, giữ lưng thẳng. Nếu trên 40 tuổi và không thể thực hiện động tác này thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu của Viện Y tế và Dinh dưỡng Quốc gia Nhật Bản cho thấy từ tuổi trung niên trở lên, những người kém linh hoạt thì động mạch của họ cũng bị cứng, làm giảm khả năng bơm máu trong cơ thể, kể cả đến tim. Cách khắc phục là tập thể dục để tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai.

Nhìn khung cửa kiểm tra suy giảm thị lực

Che một bên mắt khi nhìn khung cửa ở phòng đối diện, sau 30 giây thì đổi bên với mắt còn lại. Nếu thấy khung cửa bị cong vênh ở vị trí nào đó, đây có thể là dấu hiệu của chứng thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) – nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người trên 50 tuổi. Lưu ý, cách kiểm tra này không thể thay thế cho việc khám mắt thường xuyên vốn giúp nhận diện nhiều bệnh lý nhãn khoa khác.

Uốn cong xương sống kiểm tra chứng đau lưng

Ngồi trên ghế, hạ cằm chạm ngực và uốn cong lưng lại, sau đó nâng chân lên sao cho thẳng gối và vểnh các ngón chân hướng về thân mình. Thực hiện động tác chậm rãi và dừng ngay nếu thấy đau ở bất cứ đâu. Nếu cảm thấy đau trong quá trình thực hiện thì nó chắc chắn bắt nguồn từ dây thần kinh hông (chạy dọc từ lưng dưới xuống phần sau chân) chứ không phải do cơ bị kéo căng. Đau thần kinh hông thường là do bị chèn ép bởi đĩa đệm cột sống có vấn đề, hoặc bị thoái hóa, nếu không chữa trị kịp thời thì có thể tổn thương thần kinh vĩnh viễn.

Ăn bắp kiểm tra sức khỏe đường ruột

Ăn một muỗng hạt bắp ngọt, sau đó để ý xem bao lâu mới thấy hạt bắp xuất hiện trong phân. Do ruột khó tiêu hóa bắp, nên đây là cách đơn giản để biết thời gian vận chuyển thức ăn trong ruột. Theo đó, thời gian lý tưởng nhất là từ 12 - 48 tiếng, nếu nhanh hơn nghĩa là ruột hấp thu dinh dưỡng kém, còn chậm hơn là dấu hiệu bạn bị táo bón hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn về tiêu hóa.

Nhịp chân kiểm tra nhịp tim

Hãy tìm mạch đập ở cổ hoặc cổ tay, sau đó nhịp chân theo mạch đập trong 1 phút. Nếu cảm thấy tốc độ trong nhịp đập của mạch không đều, nhanh chậm bất thường, đó cũng là dấu hiệu bất thường ở nhịp tim. Cụ thể, mạch đập chậm hơn hoặc nhanh hơn nhịp chân, có thể đó là biểu hiện của chứng rung tâm nhĩ, nếu không được điều trị dễ dẫn đến đau tim và đột quỵ.

Thọt lét ngón chân kiểm tra tổn thương thần kinh do tiểu đường

Nằm thẳng chân, nhắm mắt lại và nhờ người thân thọt lét từng ngón chân của bạn trong 1 giây, lần lượt từ ngón cái phải, ngón út phải, ngón cái trái, ngón út trái, ngón giữa phải, ngón giữa trái. Khi cảm thấy bị nhột, hãy nói rõ vị trí là ở ngón chân nào cho người thân biết. Nói đúng 5 hoặc 6 lần là dấu hiệu tốt, còn ít hơn thì cần hỏi ý kiến bác sĩ.

Cách kiểm tra này rất quan trọng với những người bị tiểu đường vì đường huyết cao có thể gây tổn thương thần kinh ở chân, một biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến lở loét chân hoặc thậm chí đoạn chi, do bệnh nhân bị mất cảm giác đau.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer