Quảng Nam phẫu thuật cắt thùy dưới phổi trái có nội soi hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh giãn phế quản ho ra máu nhiều năm

Vừa qua, khoa Ngoại lồng ngực - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã thực hiện phẫu thuật cắt thùy dưới phổi trái có nội soi hỗ trợ (Video-Assisted Thoracoscopic Surgery- VATS) ở bệnh nhân mắc bệnh lý giãn phế quản có từng đợt ho ra máu nhiều năm.
07/04/2023 14:33
ho-ra-mau-16808404789311289502125-0-0-1250-2000-crop-1680840504668586375739

TS.BS.Nguyễn Lương Tấn cùng các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau mổ (Ảnh: Phương Thảo)

Phẫu thuật cắt thùy phổi là kỹ thuật chuyên khoa thường được áp dụng tại các bệnh viện có chuyên khoa Ngoại Lồng ngực. Phẫu thuật này được chỉ định cho các trường hợp u phổi  ở giai đoạn sớm và tiến triển; ở các bệnh lý phổi mạn tính không điều trị khỏi bằng phương pháp nội khoa như: dãn phế quản, phổi biệt trí, u nấm, kén khí phổi khu trú ở một thùy phổi...

Ngày nay, với sự hỗ trợ của kỹ thuật nội soi lồng ngực, phẫu thuật cắt thùy phổi đã hạn chế được mức độ xâm lấn của phẫu thuật mổ ngực kinh điển: đường mở ngực nhỏ hơn chỉ dài 4-6 cm (so với đường mở ngực kinh điển dài 15-20 cm), bệnh nhân ít đau sau mổ, phẫu thuật viên có thể thám sát bên trong lồng ngực thuận lợi hơn với camera có nhiều góc nhìn khác nhau giúp phẫu thuật an toàn hơn, phẫu tích và cầm máu tốt hơn kỹ thuật kinh điển. Nhờ vậy, phẫu thuật cắt thùy phổi VATS hạn chế các tai biến trong và sau mổ như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi, xẹp phổi… Bệnh nhân bình phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện, nhanh chóng khỏe lại và hòa nhập với cộng đồng.

Tại Bệnh viện ĐKTW Quảng Nam, TS.BS.Nguyễn Lương Tấn - Phụ trách khoa Ngoại Lồng ngực đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật Lồng Ngực Tim Mạch, cùng với các thạc sĩ, bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực và gây mê hồi sức đã thực hiện thường quy các phẫu thuật khó trong lĩnh vực phẫu thuật Lồng ngực như giãn phế quản, u nấm, u phối....

Bệnh nhân Trần Thị Cẩm Nhung (78 tuổi) bị giãn phế quản với ho nhiều, ho ra máu từng đợt, đã điều trị nội khoa nhiều năm không cải thiện đã được bệnh viện Phạm Ngọc Thạch- tỉnh Quảng Nam chuyển viện và phẫu thuật tại bệnh viện ĐKTW Quảng Nam ngày 25/3. Bệnh nhân đã được chuẩn bị trước mổ với sự phối hợp đa chuyên khoa bao gồm chuyên khoa Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng hô hấp vận động. Với thương tổn giãn phế quản tập trung chủ yếu ở thùy dưới phổi trái, sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt thùy dưới phổi trái để điều trị biến chứng ho ra máu.

TS.BS.Nguyễn Lương Tấn là người trực tiếp thực hiện ca mổ cùng sự tham gia của BS Hoàng Lê Ngọc Vinh - Phụ trách khoa Gây mê hồi sức và ê kíp đã thực hiện gây mê toàn thân cho bệnh nhân, thực hiện xẹp phổi trái chủ động trong quá trình phẫu thuật trong lồng ngực trái. Ca mổ diễn ra thuận lợi, an toàn, hậu phẫu không biến chứng, bệnh nhân được tập phục hồi chức năng hô hấp trong vòng 24 giờ sau mổ, các ống dẫn lưu màng phổi được rút sau 4 ngày và bệnh nhân được vận động sớm; sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, giảm ho rõ rệt, hết ho ra máu.

Được biết bà Nhung đã ho kéo dài 10 năm nay, 5 năm gần đây ho nhiều hơn và thường xuyên ho ra máu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Trước khi đến Bệnh viện ĐKTW Quảng Nam bà đã điều trị rất nhiều nơi nhưng triệu chứng ho và ho ra máu vẫn không thuyên giảm gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của bà. Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện ĐKTW Quảng Nam phẫu thuật cắt thùy phổi hiện tại bà đã giảm ho, đặc biệt là không còn ho ra máu.

TS. BS. Nguyễn Lương Tấn cho biết: Bệnh lý giãn phế quản gây ho kéo dài, có thể gây nhiễm trùng phổi nặng và ho ra máu dẫn đến những biến chứng toàn thân, phải nằm bệnh viện nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phẫu thuật cắt thùy phổi được chỉ định dành riêng cho những bệnh nhân bị giãn phế quản có viêm phổi tái phát nhiều đợt, ho ra máu khó kiểm soát bằng điều trị nội khoa đơn thuần. Bệnh lý giãn phế quản ít khi khu trú đơn độc một thùy phổi mà có thể có các thương tổn giãn phế quản rải rác ở các phần phổi còn lại, do vậy sau phẫu thuật cắt thùy phổi nhằm kiểm soát triệu chứng một cách tối ưu, bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi tình trạng hô hấp, tích cực và chủ động tập phục hồi chức năng hô hấp để giảm nhẹ triệu chứng, tránh tái phát và phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác.

Theo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam

comment Bình luận

largeer