An toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh tự phát: Vẫn là bài toán khó!

Mặc dù những loại hình kinh doanh như siêu thị, trung tâm thương mại và các kênh bán lẻ hiện đại rất phát triển nhưng các khu chợ dân sinh vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Với hình thức bán hàng truyền thống, tại đây vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm khiến người dân lo ngại.
07/11/2023 17:17

Nỗi lo mất vệ sinh

Chợ dân sinh truyền thống vốn có lợi thế trong cung cấp thực phẩm tươi sống, giá cả phải chăng đến người tiêu dùng. Dù vậy, không chỉ riêng ngoại thành mà tại nội thành Hà Nội, nhiều khu chợ tự phát, có cơ sở hạ tầng yếu kém, tiểu thương ý thức chưa cao từ đó gây nên nỗi lo thực phẩm "bẩn" cho người tiêu dùng.

c1

(Ảnh minh họa)

Ngoài tình trạng bày bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả dưới nền đất, hình ảnh các loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến.

Vì không có sự phân lô từ cơ quan chức năng, người bán hàng tự chọn chỗ để bán nên đa phần cứ tiện đâu ngồi đấy. Tình trạng hàng ăn chín cạnh hàng ăn sống, rau bán gần hàng cá, thịt lợn sát ngay cạnh những thúng bún... vẫn diễn ra thường xuyên tại các chợ dân sinh tự phát.

Đó là chưa kể nhiều cửa hàng bán đồ ăn chín nhưng phơi ra chỗ đông người qua lại. Bụi bặm cùng việc nhiều khách mua có thói quen sờ tận tay, chọn tận nơi, vừa lái xe máy vừa chọn thịt xong lại quay ra bới ngô luộc, bánh, hoa quả... đã nhiễm bẩn chéo từ chỗ nọ sang chỗ kia.

Không chỉ đối với thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm khô cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Những mặt hàng như nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, gia vị, cá, tôm khô… thường được đóng trong các bao nilon không nhãn mác, người mua cũng chỉ biết đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm qua lời giới thiệu của người bán.

Để bảo đảm vệ sinh ATTP tại các chợ dân sinh tự phát

 Không chỉ cần sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của các tiểu thương; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mà người tiêu dùng cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để nhận biết, mua và sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn; cần mua, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng, bảo quản thực phẩm đúng cách…

Bên cạnh đó, mỗi người hãy kiên quyết nói "không" với những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh. Có như thế mới góp phần chung tay đẩy lùi thực phẩm "bẩn" vì sự an toàn của bản thân và gia đình.

Công Sơn

comment Bình luận

largeer