Bắc Giang triển khai tổ chức “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành công văn số 379/UBND-NN về việc tổ chức “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn năm 2024 gắn với triển khai thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.
23/01/2024 10:33

Theo đó, thời gian tổ chức “Tết trồng cây” từ ngày 15/2/2024 (tức ngày 6/1 Tết Giáp Thìn) đến ngày 8/3/2024 (tức ngày 28/1 năm Giáp Thìn). 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành, Ban Quản lý dự án các Khu công nghiệp và các đơn vị lực lượng vũ trang (gọi tắt là các đơn vị) đóng trên địa bàn tỉnh căn cứ tình hình thực tế, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh gắn với phát động “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn năm 2024.

Triển khai Kế hoạch chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng 2024, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng. Tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

bg

(Ảnh: Bacgiang.gov)

Năm 2024, trồng rừng tập trung 9.500 ha; trồng rừng gỗ lớn 1.619 ha, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn 2.802 ha; trồng cây phân tán 6,4 triệu cây; chăm sóc rừng trồng 24.000 ha... Các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Lựa chọn loài cây rõ nguồn gốc, xuất xứ, phù hợp với điều kiện sinh thái; bảo đảm cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; chuẩn bị cây giống bảo đảm số lượng, chất lượng; tăng tỷ lệ sử dụng giống cây mô, hom, cây rừng bản địa, cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu kết hợp dưới tán rừng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; chủ động phòng chống rét, sương muối cho vườn ươm cây giống.

Tăng cường quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng; hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững đối với các chủ rừng là tổ chức; tiếp tục mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững, diện tích rừng trồng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu bền vững, hợp pháp cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao giá trị năng suất rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ.

Phát triển dịch vụ môi trường rừng; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, khai thác lợi thế giá trị về tài nguyên thiên nhiên, gắn với văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương nhằm phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái.

Thảo My

comment Bình luận

largeer