Bắc Kạn tăng cường biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng tại Pác Nặm

Thời gian qua, thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra một số vụ cháy rừng. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND huyện Pác Nặm đã đưa ra nhiều biện pháp cấp bách.
16/06/2023 10:38

Hiện nay, huyện Pác Nặm có tổng diện tích rừng và đất rừng hơn 27.000ha, trong đó rừng tự nhiên là 22.500ha, rừng trồng 4.700ha.

Để làm tốt công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC rừng, xây dựng phương án PCCC rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập được 111 tổ, đội PCCC rừng tại các thôn bản và chủ rừng với 210 người tham gia, đảm bảo lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ khi có cháy xảy ra. Ký hợp đồng với tất cả 10/10 xã nằm trong vùng trọng điểm cháy; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dụng cụ PCCC rừng... Chính vì thế, toàn huyện đã hạn chế đến mức thấp nhất về diện tích cũng như mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Buổi tuần rừng, kiểm tra rừng do lực lượng kiểm lâm phối hợp với tổ PCCC rừng thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố tổ chức. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Buổi tuần rừng, kiểm tra rừng do lực lượng kiểm lâm phối hợp với tổ PCCC rừng thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố tổ chức (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Các phương án cấp bách để bảo vệ rừng được đưa ra khi dưới các tán rừng có thảm thực bì khô, khả năng bùng phát cháy rừng rất cao. Trong đó nghiêm cấm các hoạt động đốt lửa trong rừng, ven rừng, xử lý thực bì, vệ sinh rừng. Điển hình như thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố thành lập 6 tổ tuần tra, mỗi tháng đi tuần tra rừng 3 lần. Tuyên truyền cho bà con về việc xử lý thực bì đúng kỹ thuật, tránh để cháy lan sang rừng.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng, hạn hán thời gian tới sẽ diễn ra gay gắt, nguy cơ cháy rừng rất cao. Do đó, huyện Pác Nặm đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương, chủ rừng và người dân thực hiện tốt các phương án, nhiệm vụ đề ra với phương châm phòng là chính, phát hiện từ xa và tổ chức cứu chữa kịp thời, triệt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, mỗi người dân, mỗi chủ rừng trên địa bàn huyện cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ “lá phổi xanh”, bảo vệ tài nguyên rừng.

Công tác PCCC rừng là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức và cá nhân, do đó cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và toàn thể Nhân dân trong thời gian tới.

Theo Báo Bắc Kạn

comment Bình luận

largeer