Nguy cơ tử vong cao ở người béo phì khi nhiễm trùng nặng

Các chuyên gia y tế cảnh báo: người béo phì tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng do hệ miễn dịch suy yếu, điều trị khó khăn và tiềm ẩn biến chứng đe dọa tính mạng.
07/07/2025 17:29

Mới đây, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM) cho biết, vừa cứu sống bệnh nhân Đ.V.Y.N. (SN 2003), thuộc nhóm béo phì nặng (độ III), nhập viện cấp cứu với chẩn đoán: viêm thận – bể thận cấp, nhiễm trùng huyết và đái tháo đường mới phát hiện.

Bệnh nhân khởi đầu với sốt cao, đau vùng bụng và hông, bệnh nhân nhanh chóng diễn tiến nặng: lơ mơ, tụt huyết áp và suy hô hấp. Sau 48 giờ điều trị, bệnh nhân phải đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn và lọc máu hấp phụ do tình trạng suy đa cơ quan. Thêm vào đó, tổn thương phổi lan tỏa hai bên và hội chứng suy hô hấp cấp là dấu hiệu nguy hiểm.

Kết quả cấy máu xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng là Klebsiella pneumoniae, vi khuẩn Gram âm có khả năng kháng kháng sinh mạnh và dễ gây suy đa cơ quan.

Bệnh nhân Đ.V.Y.N. (SN 2003) được bác sĩ bệnh viện Nhân Dân Gia Định thăm khám.

Bệnh nhân Đ.V.Y.N. (SN 2003) được bác sĩ bệnh viện Nhân Dân Gia Định thăm khám

Trước nguy cơ tử vong cao, bệnh viện sử dụng kỹ thuật ECMO để hỗ trợ phổi cho bệnh nhân. Theo BS. Trần Thanh Nam, người trực tiếp điều trị, ECMO giúp nâng cơ hội sống nhưng gặp khó khăn do cấu tạo mô mỡ dày ở bệnh nhân béo phì. Việc điều chỉnh liều kháng sinh, thuốc kháng đông, và chăm sóc phục hồi chức năng hô hấp, vận động sau ECMO thường kéo dài hơn ở người béo phì.

Nhờ sự phối hợp đa chuyên khoa: hồi sức tích cực, hồi sức tim mạch, dược lâm sàng, vật lý trị liệu và dinh dưỡng, bệnh nhân N. đã hồi phục hoàn toàn và xuất viện đầu tháng 7. Các bác sĩ dinh dưỡng tiếp tục tư vấn chế độ ăn và theo dõi ngoại trú để kiểm soát cân nặng và đái tháo đường

Theo TS.BS Giang Minh Nhật, Phó Trưởng khoa Hồi sức tim mạch, nhận định tỷ lệ thừa cân – béo phì ở người trưởng thành Việt Nam lên tới 20%, là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, đột quỵ, ung thư, và là yếu tố thúc đẩy nhiễm trùng khó kiểm soát.

Ông cảnh báo thêm, ở người béo phì, nhiễm trùng thường diễn biến nhanh, nặng hơn, gây gánh nặng cho hệ thống y tế – kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị. 

Để hạn chế nguy cơ, bác sĩ khuyến cáo người dân cần duy trì dinh dưỡng hợp lý và vận động mỗi ngày ít nhất 30 phút; Giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, tăng cường rau quả; Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ như tiểu đường, tim mạch; Kiểm soát tốt các bệnh nền, đặc biệt tiểu đường và tăng huyết áp – nhằm giảm nguy cơ biến chứng khi nhiễm trùng xảy ra.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận