Bài học dạy trẻ về ý nghĩa lì xì ngày Tết

Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền ai cũng đều cảm thấy rộn ràng và nhiều cảm xúc khó tả. Tết là thời điểm đánh dấu kết thúc năm cũ đồng thời cũng là khởi đầu một năm mới. Tết là dịp để gia đình đoàn viên cùng nhau, nhìn lại một năm đã qua và hứa hẹn một năm mới an khang, sung túc, ấm no và hạnh phúc hơn. Lì xì trở thành một tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết.
22/01/2023 10:20

Trong suốt những ngày Tết, có lẽ, ngoài bánh mứt, quần áo đẹp thì những đứa trẻ luôn mong chờ và háo hức nhất là được người lớn tặng cho những chiếc bao lì xì đỏ thắm khiến chúng vui vẻ và hạnh phúc hơn bao giờ hết.

Tục mừng tuổi đầu năm đã được lưu truyền từ năm này sang năm khác và cho đến tận bây giờ được gìn giữ. Lì xì đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam. Dạy trẻ về truyền thống lì xì, biết quý trọng đồng tiền, chi tiêu hợp lý… là những bài học cha mẹ có thể truyền tải thông qua ngày Tết.

kk1121jjgnz9e9y_3b7020692f16442aafccd367f46a79e9_1024x1024

(Ảnh minh hoạ)

Lì xì ngày Tết xuất phát từ câu chuyện kể khi ông Táo lên chầu trời vào ngày 23 tháng chạp hằng năm, ông Bụt tặng cho trẻ một phong bao lì xì đỏ đựng những đồng tiền xu để tránh quỷ dữ đến gây rối. Ông Bụt dặn gia đình đặt ở dưới gối khi các bé đi ngủ. Quỷ dữ xuống phá trẻ sẽ bị ánh sáng của đồng tiền Phật làm cho chói mắt. Vì thế, chúng sẽ sợ, bỏ chạy. Sau này, người lớn trong gia đình cũng làm theo lời Bụt, cứ đến Tết là tặng cho trẻ nhũng đồng xu để xua đuổi quỷ dữ.

Ngày nay, tục lì xì trở thành tiền mừng tuổi mà người lớn cho trẻ nhỏ với ý nghĩa là lời chúc khỏe mạnh, ăn mau chóng lớn, vui chơi và học hành tấn tới chứ không mang nặng ý nghĩa về vật chất.

Với người lớn tuổi, tiền lì xì có ý nghĩa mong nhiều sức khỏe để có thể bên cạnh con cháu. Do đó trẻ không được kỳ vọng về số tiền mà mình nhận được. Đây là bài học đầu tiên trong kỹ năng sống mà trẻ có thể học được từ tục lì xì ngày Tết.

Cha mẹ giải thích để trẻ hiểu, khi trẻ nhận được lời chúc may mắn, yêu thương từ người khác thì các trẻ cần biết cách chia sẻ niềm vui, may mắn đến người đối diện. Vì vậy, khi nhận được tiền lì xì, trẻ thể hiện sự biết ơn, mỉm cười, nhận lì xì bằng hai tay và nói lời cảm ơn. Điều này thể hiện sự trân trọng và biết ơn của người nhận đối với người cho. Những cử chỉ lễ phép này sẽ khiến mọi người đều cảm thấy vui vẻ và hài lòng.

Và đặc biệt cha mẹ dạy trẻ những lời chúc Tết. Khi trẻ gặp người lớn với những lời chúc phúc, may mắn đầu năm. Cha mẹ có thể giúp trẻ suy nghĩ vài câu chúc đơn giản phù hợp với từng đối tượng. Nếu chúc người lớn tuổi thì nên “ Chúc ông/ bà sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi”, gặp các cô/dì thì chúc “Chúc cô/dì năm mới sức khỏe, vui khỏe, trẻ đẹp rạng ngời”, gặp chú/bác thì chúc “Chúc chú/bác năm mới sức khỏe, phát tài phát lộc”.

Cha mẹ hướng dẫn trẻ khi được lì xì thì cất vào túi của trẻ hoặc gửi cho cha mẹ giữ hộ, tránh tình trạng trẻ mở bao lì xì trước mặt người cho, thậm chí chê bai khi số tiền lì xì ít. Cha mẹ giúp trẻ ứng xử ở nhà để trẻ có thể thực hiện ngay cả khi không có cha mẹ bên cạnh. Trẻ không được vòi vĩnh thêm khi thấy lì xì ít , hay đánh tiếng đòi lì xì, cha mẹ giúp trẻ hiểu đúng ý nghĩa của lì xì và giữ cách thức, thái độ phù hợp ngay cả khi không được nhận lì xì.

Dạy con trân trọng, giữ gìn những chiếc bao lì xì xinh xắn, không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với người tặng, mà còn là cách mà cha mẹ chỉ cho trẻ biết cách quý trọng đồng tiền. Ngoài ra, cha mẹ tuyệt đối không được dùng tiền lì xì của trẻ vừa mới nhận được để lì xì lại ngay cho những trẻ khác hoặc lấy tiền lì xì của trẻ khi trẻ chưa đồng ý. Cha mẹ có thể nhắc trẻ giữ gìn cẩn thận, hoặc nhẹ nhàng trao đổi với trẻ, đưa tiền lì xì cha/mẹ giữ hộ chứ không nên ép trẻ, khiến trẻ ấm ức và phản ứng tiêu cực trong ngày Tết.

Trẻ rất thích thú và có thể lên nhiều kế hoạch để sử dụng tiền lì xì của mình, thường thì trẻ sẽ sử dụng để mua những thứ mình thích. Cha mẹ có thể chia sẻ với trẻ một vài bí quyết để sử dụng hợp lý số tiền này như một người lớn thực sự. Đây cũng là lúc mà trẻ có thể xây dựng cho mình kỹ năng sống: quản lý tài chính thông minh.

Thường thì trẻ sẽ có xu hướng dùng toàn bộ số tiền mình để chi tiêu vì sợ cha mẹ thu lại tiền mừng tuổi. Cha mẹ có thể trao đổi rõ ràng rằng trẻ sẽ được toàn quyền sử dụng số tiền lì xì một cách hợp lý. Ví dụ như trẻ có thể dùng một phần tiền để mua món đồ mà trẻ thích và thấy cần phải sử dụng ngay. Số còn lại trẻ có thể dùng để chi cho một số khoản cần nhiều tiền và có thể thực hiện xa hơn như: tiết kiệm để mua một chiếc xe đạp hay trọn bộ sách mà trẻ yêu thích.

Hoặc cha mẹ có thể dạy trẻ tự tay đút tiền vào heo đất để tiết kiệm dùng cho nhiều khoản chưa có kế hoạch sau này, hoặc mua một món đồ với tư cách là một thành viên trong gia đình. Cha mẹ có thể giúp trẻ lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng với số tiền lì xì mà mình có được sau những ngày Tết. Với mỗi tháng kế hoạch hoạt động của trẻ sẽ khác nhau do đó tiền chi tiêu cũng có thể khác nhau. Ví dụ, tháng hè, nhiều hoạt động vui chơi chắc chắn sẽ cần chi nhiều hơn các tháng trong năm học.

Với những dự tính chi tiêu đó, cha mẹ giúp các trẻ có kế hoạch cân đo tính toán sử dụng hợp lí số tiền của mình. Bên cạnh việc sử dụng tiền lì xì cho các nhu cầu bản thân, cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ dành một phần để làm từ thiện nguyện, bởi đây là lúc phù hợp nhất để dạy về tình yêu thương, sự chia sẻ với các bạn, những người kém may mắn khác trong cuộc sống.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ DungĐơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

comment Bình luận

largeer