Bài thuốc lợi tiểu, lọc máu, điều trị sỏi bàng quang từ rễ cây nổ

Rễ cây nổ có vị ngọt nhẹ và giúp bổ mát nên nó được xem như một loại sâm, vì vậy mà cây nổ có các tên gọi như sâm đất, sâm tanh tách, hải huy sâm… Theo y học cổ truyền, rễ cây nổ có thể điều trị các bệnh sỏi bàng quang, bệnh thận, trị cảm lạnh, viêm màng bụng khi sinh, tiểu đường, hạ sốt, giảm đau,...
07/02/2024 14:27

Về cây nổ

Cây nổ hay cây trái nổ, cây tanh tách có tên khoa học là Ruellia tuberosa, thuộc họ Ô rô: Acanthaceae. Cây có nhiều rễ chùm phình to (như củ) với tiết diện tròn. Hoa của cây nổ có tràng dài và có năm cánh màu tím xanh, nhìn rất giống hoa chiều tím, nếu chỉ nhìn hoa thì rất dễ nhầm lẫn.

Lưu ý, cây cơm nguội (Securinega virusa) có quả hình tròn, màu trắng cũng được gọi là cây nổ hay cây bỏng nổ. Ngoài ra, ở miền Nam, cây nổ còn được gọi là cây sâm đất. Tuy nhiên, có một loài khác cũng được gọi là cây sâm đất, đó là cây sâm nam (tức cây sâm rừng, sâm quy bầu: Boerhavia diffusa). Vì vậy, cần chú ý nhận dạng để tránh nhầm lẫn khi thu hái.

cayno

Cây nổ (Ảnh: Caythuoc.org)

Tác dụng của rễ cây nổ nhìn từ y học cổ truyền

Rễ nổ: Vì rễ cây nổ có vị ngọt nhẹ và giúp bổ mát nên nó được xem như một loại sâm (vì vậy mà cây nổ có các tên gọi như sâm đất, sâm tanh tách, hải huy sâm…). Theo y học cổ truyền, rễ cây nổ có các tác dụng:

- Bổ mát, lợi tiểu, tăng cường sinh lý.

- Điều trị sỏi bàng quang và bệnh thận (rễ hoặc toàn cây).

- Điều trị cảm lạnh và viêm màng bụng khi sinh.

- Điều trị tiểu đường, hạ sốt, giảm đau.

- Bảo vệ dạ dày.

- Thanh lọc máu (dùng trong công thức điều chế trà).

Cách dùng rễ cây nổ làm thuốc

Liều lượng: Mỗi ngày dùng 10 – 20g rễ nổ dưới dạng thuốc sắc.

Lá và hạt nổ: Nước sắc từ lá cây nổ có tác dụng làm ra mồ hôi, điều trị sốt và viêm phế quản mạn tính. Đối với hạt nổ, người ta thường ngâm nước cho hạt nở ra, có chất keo nhầy rồi dùng nó đắp lên các vết thương và mụn nhọt.

Những hoạt tính đáng chú ý của cây nổ

Hoạt tính chống oxy hóa: Theo Tạp chí Free Radicals and Antioxidants, nhiều chiết xuất khác nhau của rễ cây nổ đã được nghiên cứu và cho thấy tác dụng chống oxy hóa.

Hoạt tính kháng khuẩn: Theo Tạp chí Pharmacognosy Journal, nhiều chiết xuất khác nhau từ tất cả các bộ phận của cây nổ đều cho thấy tác dụng kháng khuẩn đáng kể. Vì vậy, cây nổ được xem là có tiềm năng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường miệng.

Tác dụng chống ung thư: Kết quả chiết xuất từ thân và lá cây nổ cho thấy tác dụng chống lại ung thư gan HepG2. Bên cạnh đó, theo tạp chí Journal of Applied Pharmaceutical Science, chiết xuất methanol từ thân cây nổ còn có tác dụng chống ung thư vú dòng MCF-7.

Tác dụng hạ đường huyết: Theo tạp chí Pharmaceutical Research, chiết xuất methnolic từ toàn cây nổ có tác dụng làm giảm lượng đường huyết trên thỏ. Điều này đã giải thích cho việc dân gian dùng nước sắc cây nổ để điều trị tiểu đường.

Tác dụng bảo vệ dạ dày: Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất nước từ rễ cây nổ có tác dụng bảo vệ dạ dày khá mạnh và phụ thuộc vào liều lượng sử dụng.

Lưu ý

- Nước sắc từ rễ cây nổ còn được dùng làm thuốc phá thai, vì vậy, phụ nữ mang thai không nên dùng thuốc này.

- Khi dùng nước sắc từ rễ cây nổ cần chú ý về liều lượng và thời gian để tránh việc đi tiểu nhiều lần (do lợi tiểu) làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer