Công dụng chữa bệnh của cây ngô thù du

Ngô thù du là cây thuốc mọc tự nhiên ở một số tỉnh phía Bắc nước ta nhưng số lượng còn khá hạn chế. Trước đây, người dân Hà Giang đã từng dùng nó làm thuốc điều trị đau bụng, nóng sốt.
30/01/2024 15:15

Vài nét về ngô thù du

Cây ngô thù du có tên khoa học là: Evodia rutaecarpa, thuộc họ Cam: Rutaceae.

Ngoài tên gọi này, cây còn có các tên khác như: Ngô thù, thù du, ngô vu, xà lạp… 

Có thể nhận biết cây thù du qua những chùm quả đỏ thẫm gồm nhiều quả nhỏ hình tròn, hơi dẹt và có các khía (hoa có màu trắng hoặc vàng nhạt). Bên cạnh đó, thân và nhành của cây ngô thù du có màu hơi nâu tím và có lông lúc còn non (hai mặt lá cũng có lông). Đặc biệt, toàn cây ngô thù du đều có tinh dầu với mùi thơm hơi hắc.

Thu hái và sơ chế

Thông thường, vào khoảng tháng 9, người ta bắt đầu hái quả ngô thù du để làm thuốc. Quả được chọn là những quả còn nguyên, có màu xanh hay hơi ngả vàng, sau đó được đem phơi hay sấy khô.

Tuy nhiên, vì ngô thù du là loại thuốc có hoạt tính mạnh nên ngoài việc dùng ở liều lượng thấp, người ta còn sơ chế để làm giảm hoạt tính của thuốc bằng cách nấu nước cam thảo (để ấm khoảng 70 độ) rồi cho quả ngô thù du vào theo tỉ lệ cam thảo: Thù du là 1:20 rồi ngâm cho đến khi quả thù du nứt ra (nếu quả không nứt thì đun thêm 5 phút rồi để nguội). Sau đó, vớt quả ra, phơi hay sấy khô rồi lưu trữ để dùng dần.

thudu

Cây ngô thù du (Ảnh: Caythuoc.org)

Công dụng của cây ngô thù du

Với bệnh nam khoa, phụ khoa

Đối với bệnh nam khoa: Trong trường hợp phần hạ bộ của nam giới bị chảy nước, gây ngứa ngáy, khó chịu, có thể dùng ngô thù du để điều trị. Cách làm rất đơn giản: dùng nước sắc ngô thù du rửa ngoài nhiều lần thì sẽ dần khỏi bệnh.

Đối với bệnh phụ khoa

Ngô thù du còn có mặt trong các bài thuốc điều trị bệnh phụ nữ như:

Đau bụng kinh: Nhiều chị em thường bị chứng đau bụng kinh gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý cũng như công việc. Thay vì dùng thuốc Tây y để giảm đau tức thời (nhưng lại tồn đọng nhiều tác dụng phụ đáng lo), các chị em có thể tham khảo bài thuốc sau đây để cải thiện từ bên trong: Ngô thù du, đẳng sâm (mỗi vị 12g), quế chi, gừng, a giao, bán hạ chế, chích cam thảo (cam thảo đã thái miếng, tẩm mật và sao vàng), xuyên khung, đan bì, đương quy, mạch môn (mạch môn đông), bạch thược (củ mẫu đơn trắng) (mỗi vị 8g).

Chậm kinh: Đối với chứng chậm kinh, người bệnh có thể dùng thang thuốc gồm các vị sau: ngô thù du, thạch xương bồ (xương bồ), trần bì (vỏ cam hoặc quýt phơi khô), xuyên khung, bạch thược (mẫu đơn trắng), đương quy (mỗi vị đều 8g), thục địa, ngải cứu (mỗi vị 12g) và đẳng sâm (16g).

Với hệ tiêu hóa

Từ góc nhìn hiện đại về ngô thù du, các nhà khoa học đã phát hiện ra tác dụng bổ dạ dày, kích thích tiêu hóa và chống nôn (bằng đường uống) của vị thuốc này. Mặt khác, khi soi chiếu sang kinh nghiệm điều trị bệnh bằng y học truyền thống, có thể thấy ngô thù du cũng được dùng trong các trường hợp tương tự (như miệng lưỡi lở ngứa, đau răng, khó tiêu, đau bụng và tiêu chảy). Ngoài ra, để giảm nhức răng, người bệnh cũng có thể lấy một ít ngô thù du ngâm với rượu, ngậm một lát cho bớt đau rồi nhổ đi.

Ngô thù du với bệnh xương khớp

Theo công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi, ngô thù du còn được dùng điều trị các bệnh về xương khớp như lưng và chân mềm yếu (hay bị tê, đau).

Liều lượng: Nếu dùng ngô thù du ở dạng bột thì mỗi ngày uống từ 1 – 3g còn dùng ở dạng thuốc sắc thì từ 4 – 6g và chia thành 3 lần uống.

Ngô thù du còn có các hoạt tính nào khác?

Chống ung thư: Được xem là loại thảo dược đa năng ở Trung Quốc, ngô thù du đã cho thấy khả năng chống ung thư qua các nghiên cứu trong ống nghiệm và cả trên thực nghiệm (bằng cách ức chế sự sinh sản, xâm lấn và di căn của các tế bào ung thư).

Chống viêm da: Một thí nghiệm trên da người đã được tiến hành bởi nhiều nhà khoa học và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, chiết xuất ngô thù du có hoạt tính chống viêm mạnh mẽ khi được dùng ngoài da (theo tạp chí Journal of Dermatological Science).

Ức chế kết tập tiểu cầu: Theo tạp chí European Journal of Pharmacology, chiết xuất từ ngô thù du có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu qua cơ chế phá vỡ sự tập hợp của chúng.

Tiềm năng điều trị mất trí: Sau khi thực hiện khảo sát trên 29 thảo dược, các nhà nghiên cứu đã xác định ngô thù du là vị thuốc có hoạt tính chống mất trí (in vivo) và có thể được dùng để điều trị bệnh Alzheimer (theo tạp chí Planta Medica).

Chống béo phì: Kết quả thí nghiệm trên chuột đực trong 12 ngày tiêu thụ hoạt chất Evodiamine (0,03% khẩu phần ăn) cho thấy ngô thù du gây ra sự mất nhiệt và sản sinh nhiệt cùng lúc, từ đó làm cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn, đồng thời ngăn chặn sự tích tụ chất béo trong cơ thể. Vì vậy, vị thuốc này được xem là có hoạt tính chống béo phì (theo tạp chí Planta Medica).

Cẩn trọng khi dùng thuốc

Nếu dùng uống thì ngô thù du chỉ phù hợp với những người hàn thấp bởi vị thuốc này có tính nóng, hơi độc nên dễ gây ra các triệu chứng như mụn nhọt, mờ mắt, đau họng, rụng tóc… Bên cạnh đó, những người bị nội nhiệt không nên dùng và phụ nữ có thai cũng không nên dùng.

Trong bảo quản, nên đậy kín thuốc để giữ mùi thơm được lâu hơn.

Bên cạnh đó, cần chú ý về liều lượng, không dùng ngô thù du vượt quá liều quy định hay dùng liên tục trong thời gian dài.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer