Ban hành các Nghị quyết trong lĩnh vực y tế để thực hiện Luật Thủ đô

Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) được Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025). Điều 26 của Luật có định hướng phát triển y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
24/12/2024 09:36

Luật Thủ đô năm 2024 ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự vận hành và phát triển kinh tế - xã hội thủ đô. Trong đó, phát triển y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 26 với những nội dung quy định về mục đích xây dựng hệ thống y tế thủ đô, xác định thẩm quyền, nhiệm vụ của HĐND, UBND thành phố trong lĩnh vực y tế.

Với mục đích xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại phù hợp với cơ cấu, quy mô dân số, địa bàn, thực hiện đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, là trung tâm y tế lớn của cả nước, nhiệm vụ của ngành y tế Thủ đô được quy định một cách cụ thể và rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám chữa bệnh y học gia đình, phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện là những trọng tâm được đề cập tới trong Luật Thủ đô.

6j

Phẫu thuật can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Trong Luật Luật Thủ đô, HĐND thành phố Hà Nội có nhiệm vụ quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quyết định việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho thành phố, phù hợp với các quy định của Luật Khám, chữa bệnh.

Đối với dịch vụ cấp cứu ngoại viện, bao gồm chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện, các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương…, hiện đang có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập... Đáng chú ý là việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời.

Ban hành danh mục khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được BHYT thanh toán và danh mục cấp cứu ngoại viện

Ngày 04/10/2024, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ BHYT thanh toán và cấp cứu ngoại viện của thành phố Hà Nội. Nghị quyết có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/01/2025.

Về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ BHYT thanh toán của thành phố Hà Nội có 3 dịch vụ. (1) Quản lý, chăm sóc sức khoẻ ban đầu thông qua tạo lập, cập nhật, quản lý Hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân của người dân trên địa bàn. (2) Khám bệnh, tư vấn, dự phòng bệnh tật và nâng cao sức khoẻ tại nhà. (3) Cấp cứu, chăm sóc tại nhà đối với người bệnh (gồm 18 nội dung hoạt động).

Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện của thành phố Hà Nội có 4 dịch vụ. (1) Hoạt động thường trực cấp cứu tại các địa điểm tổ chức các sự kiện, hội nghị (khi được yêu cầu). (2) Cấp cứu, xử trí tại chỗ không vận chuyển người bệnh (tính theo khoảng cách) gồm 7 nội dung hoạt động. (3) Cấp cứu ngoại viện và vận chuyển người bệnh (tính theo khoảng cách) gồm 7 nội dung hoạt động. (4) Xe cấp cứu đến hiện trường không đón được người bệnh (tính theo khoảng cách) gồm 7 nội dung hoạt động.

Nghị quyết ra đời nhằm quản lý việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn thành phố, giúp cho người bệnh phát hiện bệnh sớm, được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh, giảm biến chứng cho người bệnh.

Đồng thời, hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, thụ hưởng các dịch vụ y tế. Nghị quyết cũng nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với sự phát triển KT-XH của thành phố trong tình hình mới; bảo đảm hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh được thực hiện với chất lượng chuyên môn tốt nhất, nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của người bệnh, người dân.

Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Hà Nội

Sáng ngày 12/12/2024, tại kỳ họp thứ 20 của HĐND thành phố, Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn Hà Nội đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị quyết này; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này.

Về mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng áp dụng cho cá nhân, tổ chức tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về ATTP. Quy định về mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt để tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến ATTP, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.

Mức phạt tiền quy định tại Nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại một số khoản đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.

Thành phố Hà Nội mở đợt cao điểm tuyên truyền về Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15) được Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025). Kế hoạch tuyên truyền đợt cao điểm tập trung vào thời điểm Luật có hiệu lực, thực hiện gắn kết tuyên truyền Chỉ thị số 37-CT/TU của Thành ủy Hà Nội; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, tiếp cận mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng số, mạng xã hội.

5 nội dung của Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 là quản lý, sử dụng không gian ngầm (Điều 19); thành lập khu phát triển thương mại và văn hoá (Khoản 7, Điều 21); phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Điều 23); thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25); thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định (Điều 40).

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer