Bạn rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm sau nếu quá gầy

Chán ăn là nguyên nhân chính khiến nhiều người bị gầy yếu, thiếu cân. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại với những áp lực trong công việc và những mối quan hệ làm cho chúng ta dễ bị căng thẳng, stress.
05/07/2021 16:17

 

c1

Ảnh minh họa

PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia bày tỏ: “Tôi làm dinh dưỡng và thấy rất xót xa cho chị em người mẫu khi phải chịu đựng “ép cân” để có một cơ thể quá mảnh mai. Trong trường hợp người mẫu Cao Ngân gầy quá, một phần là do sau chấn thương nên ảnh hướng đến thói quen ăn uống và tiêu hóa”.

PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm cho biết, nếu một người gầy mà hiện tại không có bệnh gì thì chưa ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, gầy có thể từ nhiều bệnh khác nhau.

Chán ăn là nguyên nhân chính khiến nhiều người bị gầy yếu, thiếu cân. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại với những áp lực trong công việc và những mối quan hệ làm cho chúng ta dễ bị căng thẳng, stress. Những hậu quả kéo theo là mất ngủ, tinh thần bất ổn, cơ thể mệt mỏi nên ăn không ngon thậm chí không buồn ngó đến thức ăn. Đó cũng chính là yếu tố giải thích tại sao cân nặng của nhiều người không thể tăng được.

Khi cơ thể bạn bị rối loạn tiêu hóa thì cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng của thức ăn. Hơn nữa, cảm giác ăn không tiêu sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và không muốn dung nạp thêm thức ăn.

“Nhiều người trong chúng ta giữ thói quen ăn ít quá, thành ra cơ thể không tiết dịch, men tiêu hóa dẫn đến chán ăn, từ đó cơ thể sẽ suy sụp, rất gầy. Ngoài ra, có những người bị rối loạn tiêu hóa hấp thu, viêm dạ dày hoặc sau điều trị ung thư, sau chấn thương, sau mổ cũng khiến cơ thể gầy gò”, PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm cho hay.

Dễ mắc các bệnh nguy hiểm

PGS.Nguyễn Thị Lâm cho biết, ở góc độ dinh dưỡng, bà không khuyến khích mọi người gầy quá. Bởi khi gầy quá, chúng ta sẽ gặp các vấn đề cực kỳ nguy hại về sức khỏe.

“Khi gầy, khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, các bạn dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như các dịch cúm, các bệnh nhiễm khuẩn như lao phổi. Gầy quá cũng dễ bị viêm phổi, viêm phế quản”,  PGS.Nguyễn Thị Lâm cảnh báo.

c2

PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, những người suy dinh dưỡng thì khả năng làm việc cũng suy giảm, không còn phản xạ nhanh nhẹn như bình thường. Những người gầy cũng hay thờ ơ với ngoại cảnh, công việc không nhiệt tình được như bình thường.

Bên cạnh đó, những người quá gầy, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể cũng xảy ra.

“Ngay cả sau này chị em phụ nữ gầy quá mà muốn sinh con thì khả năng thụ thai cũng khó khăn. Nếu thụ thai rồi mà mẹ gầy quá thì đứa con cũng bị ảnh hưởng. Trên thế giới có tổng kết, mẹ dưới 45kg khi sinh con, nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân dưới 2,5kg. Các cháu cũng bị suy dinh dưỡng, rất khó nuôi”, TS. Lâm nói.

BS Lâm cũng cảnh báo, khi nhịn ăn lâu ngày, cơ thể giảm tiết các men tiêu hía, dịch mật, dịch tụy làm cho cơ thể càng biếng ăn.

“Những người mà trót để quá gầy thì phải có tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập các thực đơn. Ngoài bữa chính, cần ăn thêm các bữa phụ để cân đối chất dinh dưỡng, vitamin khoáng chất kết hợp tập luyện để giữ dáng, giữ cơ thể khỏe mạnh. Nếu bị bệnh thì có thể bổ sung nhiều bữa phụ từ súp, sữa…Tôi khuyên là các bạn cũng nên quan tâm đến sức khỏe của mình chứ đứng để dáng thanh mảnh ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của mình”, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng khuyến cáo.

Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cân nặng lý tưởng nên bằng số lẻ chiều cao nhân với 0,9.

Ví dụ: Chiều cao 1m70 thì phải nặng 63kg thì mới đạt chuẩn. Đương nhiên người mẫu thì có thể gầy hơn một chút. Tuy nhiên, nếu các bạn tập luyện thì khối cơ cũng sẽ săn chắc, người vẫn gọn mà cân nặng không phải quá thấp.

Ngoài ra còn có cách tính chỉ số khối cơ thể (BMI) bằng cân nặng chia cho chiều cao bình phương.

Nếu người mẫu cao 1m78 và cân nặng 40kg thì chắc chắn người mẫu này có chỉ số khối cơ thể rất là thấp, thiếu năng lượng trình diễn và đang bị suy dinh dưỡng ở người trưởng thành.

Theo: Kiến thức cuộc sống

comment Bình luận

largeer