Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như thế nào?

Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ yêu cầu các nhà dịch vụ phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
09/11/2020 11:53

Chắc chắn Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng sẽ được ban hành trong năm 2020 - đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trước câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (tỉnh Nghệ An).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vào tháng 4/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã họp, đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm về thẩm quyền ban hành.

bo truong nguyen manh hung

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

"Chúng tôi trong tuần này sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn rằng trong năm 2020, Bộ quy tắc này sẽ được ký" - trưởng ngành thông tin và truyền thông nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng được Bộ lồng ghép trong Bộ quy tắc ứng xử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nội dung của Bộ quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng, nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em. Cụ thể là yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.

Ngoài ra, Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng" giai đoạn từ năm 2020 - 2025. Đề án đã đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như tạo lập một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, đề án cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm và chủ động ngăn chặn, chặn lọc và gỡ bỏ nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng và kỹ năng đểtrẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp.

"Hiện nay đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn sẽ được ký trong năm 2020" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.

Trước đó, giải đáp chất vấn của các đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) về các biện pháp xử lý những nội dung trực tuyến xấu độc, nhảm nhí, trái văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh Youtube hiện nay đã lên đến 90%; mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu, độc.

Bộ trưởng đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện các video xấu, độc, cần báo đến đường dây nóng của Bộ và các Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ gỡ bỏ 100% video xấu, độc bị phát hiện, phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc, đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra hướng dẫn tiêu chí đánh giá video vi phạm thuần phong mỹ tục…

Theo VTV

comment Bình luận

largeer