Bé trai bị 'thủy tinh mạc' tinh hoàn

Tình trạng xảy ra từ khi chào đời, nay bé bốn tuổi. Khi một tuổi, gia đình đưa bé đến khám tại bác sĩ tư, được chẩn đoán "tinh hoàn thủy tinh". Bác sĩ tư vấn điều trị chọc hút dịch bằng cách đâm kim vào vùng "tinh hoàn thủy tinh".
29/03/2021 08:57

Bé trai người Gia Rai, ở Kon Tum, có tinh hoàn bên phải là khối to, trong suốt, không đau. Khối này thường nhỏ lại sau một đêm ngủ và to hơn khi hoạt động ban ngày.

Theo gia đình, sau mỗi lần chọc hút, vùng bìu nhỏ gần như bình thường. Vài tháng sau, "tinh hoàn thủy tinh" tái diễn. Bé được chọc hút tổng cộng bốn lần nhưng không hết bệnh, gia đình lo lắng đến khám tại Khoa Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2.

minh hoa

Hình minh họa.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, ngày 28/3, cho biết bé được chẩn đoán dị tật bẩm sinh "thủy tinh mạc". Bé được phẫu thuật, lấy khối dịch ra và cột cắt ống phúc tinh mạc thông thương giữa vùng bụng và bìu để phòng ngừa tái phát. Sau mổ, vùng tinh hoàn bên phải xẹp trở về bình thường, vết mổ khô sạch. Bé xuất viện một ngày sau.

Theo bác sĩ Thạch, không có bệnh "tinh hoàn thủy tinh", chỉ có dị tật thủy tinh mạc là sự ứ dịch trong khoang màng tinh, tức khoang bao bọc tinh hoàn. Thủy tinh mạc thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể bị một bên hay cả hai bên. Bên phải được ghi nhận thường gặp hơn.

Thủy tinh mạc có thể thông thương hoặc không thông thương. Nếu có thông thương có thể kích thước khác nhau, thường to lên vào ban ngày khi trẻ đi đứng chạy nhảy và nhỏ lại vào ban đêm khi trẻ nằm ngửa. Sự dao động kích thước trong ngày, sự tăng dần kích thước hoặc vùng bẹn phồng to từng đợt gợi ý thủy tinh mạc thông thương.

"Trường hợp bệnh nhi này là thủy tinh mạc thông thương", bác sĩ Thạch chia sẻ. Do đó, trong quá trình phẫu thuật, bên cạnh việc giải phóng nước vùng tinh hoàn bên phải, bác sĩ phải khâu cột ống phúc tinh mạc thông thương giữa bìu và vùng bụng. Điều này rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa việc tái lập nước xung quanh tinh hoàn sau này.

Theo bác sĩ Thạch, việc chọc hút không những không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ mà tiềm tàng những nguy cơ nhiễm trùng vùng bìu tại chỗ, tổn thương tinh hoàn, mào tinh và ống dẫn tinh gây vô sinh về sau. Vùng thông thương từ bìu lên ổ bụng sẽ có nguy cơ vi trùng từ kim chọc hút bẩn đi vào ổ bụng gây viêm phúc mạc rất nguy hiểm.

Bệnh biểu hiện với bìu to sau sinh, căng bóng như chứa nước, không đau. Siêu âm sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán. Thủy tinh mạc có khả năng tự khỏi khi khoảng hai tuổi. Vì vậy phẫu thuật không được khuyến cáo trước một tuổi. Những thủy tinh quá to, căng gây khó chịu cho bé nên được mổ sớm. Không nên chọc hút vùng ứ dịch vì khả năng tái phát rất cao bên cạnh những nguy cơ khác.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer