Bệnh bạch biến - dấu hiệu và phương pháp điều trị

Bạch biến là một bệnh da liễu chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn và không triệt để.
19/11/2020 16:18

Bạch biến là gì?

Theo định nghĩa trên Wikipedia, bệnh bạch biến là một loại bệnh do một số tế bào sắc tố trong da bị hư khiến làn da mất đi sắc tố melamin do đó làm da biến thành màu trắng hoặc nổi đốm trắng và có khi ảnh hưởng tới những vùng như lông, tóc, bên trong miệng cũng có thể bị ảnh hưởng.

Đây là căn bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người nhưng gây ra sự mất thẩm mỹ do các khoảng da loang lổ, không đều màu có thể khiến người mắc thiếu tự tin, ngại giao tiếp với xã hội. Bệnh không lây nhiễm sang người khác, kể cả những người tiếp xúc gần với người bệnh.

Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 1% người bị ảnh hưởng bởi bạch biến. Một số quần thể dân cư có tỷ lệ cao đến 2–3%. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ như nhau và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo đó, lứa tuổi thường mắc phải căn bệnh này nhất là từ 10 đến 30 tuổi, hơn 50% bệnh xảy ra trước 20 tuổi. Trẻ em cũng có thể mắc phải căn bệnh này.

bach bien

Siêu mẫu Chantelle Young-Brown bị bạch biến vẫn nổi tiếng khắp thế giới.

Tại Việt nam chưa có thống kê chính thức nào về tỷ lệ mắc bệnh bạch biến. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ bệnh chiếm 1% và được nghiên cứu có tính chất gia đình trong khoảng 30% các trường hợp mắc bệnh. 

Về nguyên nhân căn bệnh, hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ được nguyên nhân chính xuất hiện bạch biến mà chỉ có các yếu tố góp phần gây ra căn bệnh này, trong đó, yếu tố di truyền chiếm khoảng 30% như đã đề cập ở trên. Các yếu tố về tâm lý như stress, bệnh lý ác tính như thiếu máu, đái tháo đường, tuyến giáp cũng làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhắc đến việc thường xuyên tiếp xúc với với hóa chất độc hại, yếu tố về khí hậu, thời tiết, chế độ ăn uống không lành mạnh cũng có thể khiến bệnh bạch biến bị nặng hơn.

Cũng có một nghiên cứu cho rằng bệnh bạch biến có mối liên hệ với TYR - gene mã hóa tyrosinase protein, không phải là một thành phần của hệ thống miễn dịch, nhưng là một enzyme của melanocyte xúc tác sinh tổng hợp melanin, và một chất tự kháng nguyên chủ yếu trong bạch biến tổng quát.  

Điều trị bệnh bạch biến

Về phương pháp điều trị, do bệnh bạch biến chưa được xác định nguyên nhân chính gây bệnh nên chưa có thuốc đặc trị. Do đó, việc điều trị bạch biến gặp nhiều khó khăn và chưa triệt để. Các bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc để giải quyết các triệu chứng trước mắt. Cụ thể:

Sử dụng nhóm thuốc có tác dụng tăng cảm ứng với ánh sáng toàn thân hoặc tại chỗ như chế phẩm có psoralen như meladinin, melagenin kết hợp với việc chiếu tia cực tím bước sóng ngắn hoặc dài tại vùng tổn thương. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như chán ăn, tăng men gan, vàng da. 

Bôi Corticosteroid: Đây là thuốc bôi được lựa chọn để phối hợp với các liệu pháp trị liệu khác như laser CO2, UVB phổ hẹp, dẫn xuất vitamin D3… đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn, nhất là những trường hợp bạch biến khu trú. Cùng với tác dụng chống viêm, nhóm thuốc này còn có tác dụng ức chế hệ miễn dịch của người bệnh bằng cách tác động làm giảm số lượng các cytokine. Chính vì vậy thuốc làm giảm hoạt động của tự kháng thể gây rối loạn sắc tố. 

Sử dụng thuốc uống chống nắng: ở bệnh nhân bạch biến, chất lượng và số lượng của tế bào sắc tố giảm sút nên khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của ánh sáng mặt trời kém. Do vậy, dùng thuốc uống chống nắng để tránh sự cháy nắng ở những vùng da giảm sắc tố, giảm sự  tương phản màu sắc giữa vùng da lành và da bệnh, tránh mất thẩm mỹ.

Trên thế giới vẫn xuất hiện những ngôi sao nổi tiếng mặc dù mắc bệnh bạch biến. Điển hình, ngôi sao nhạc Pop Michael Jackson từng bị cho là làm trắng da nhưng sự ông bị bạch biến. Một trường hợp khác chính là  Chantelle Young-Brown, dù mắc bạch biến nhưng cô vẫn trở thành một siêu mẫu nổi tiếng khắp thế giới.

Bạch Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer