Bệnh nhân bị bất động, uống liều thuốc ngủ, đứng dậy 'hót chuyện như sáo'

Bác sĩ Hisse Arnts cho một bệnh nhân Hà Lan dùng một liều thuốc ngủ. Anh này bỏ xe lăn đứng dậy và gọi điện trò chuyện với cha mình sau nhiều năm im lặng.
14/09/2020 16:35
Bệnh nhân bị bất động, uống liều thuốc ngủ, đứng dậy hót chuyện như sáo - Ảnh 1.

 

Thuốc ngủ Stilnox® chứa hoạt chất zolpidem 10 mg - Ảnh: lebabi.net

Tạp chí khoa học Cortex (Anh) đã đăng một báo cáo khoa học của 12 nhà nghiên cứu Hà Lan với đầu đề: "Tỉnh dậy sau khi uống thuốc ngủ: khôi phục mạng lưới chức năng của não sau chấn thương não nặng". 

Đây là trường hợp hết sức thú vị.

Ngồi bất động trên xe lăn

Cách đây 8 năm, một thanh niên 29 tuổi nuốt miếng thịt bị mắc nghẹn dẫn đến não thiếu oxy, sau đó mắc chứng lặng thinh bất động, mất kỹ năng tự vận động và mắc chứng lãnh đạm.

Các nhà thần kinh học gọi những biểu hiện này là "rối loạn thức tỉnh nghiêm trọng" song kết quả quét não cho thấy không có bất kỳ tổn thương cấu trúc nào.

Sau thời gian nằm trong phòng hồi sức tích cực và khoa thần kinh, bệnh nhân được chuyển đến nhà điều dưỡng mà không có chẩn đoán chính xác nào.

8 năm trôi qua, thần kinh của bệnh nhân này vẫn không được cải thiện cho đến lúc gặp bác sĩ thần kinh Hisse Arnts ở Bệnh viện Đại học Amsterdam (Hà Lan).

Lúc đó bệnh nhân mở mắt suốt ngày nhưng không cử động, không nói chuyện, không bộc lộ cảm xúc, không tự chủ được và không thể cử động để ăn uống một mình.

Tuy nhiên, anh có thể ráng trả lời câu hỏi bằng cách làm vài cử động nhưng với độ trễ vài giây. Đây là biểu hiện rối loạn phối hợp vận động và cứng cơ.

Mặc dù ý thức còn nguyên vẹn, bệnh nhân chỉ có thể ngồi yên trên xe lăn, rất ít di chuyển, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc người khác và được nuôi ăn qua ống mở thông dạ dày.

Bệnh nhân bị bất động, uống liều thuốc ngủ, đứng dậy hót chuyện như sáo - Ảnh 2.

 

Bệnh nhân được cho ăn bằng ống mở dạ dày - Ảnh: CORTES

Điều kỳ diệu nghịch lý của thuốc ngủ

Được gia đình bệnh nhân đồng ý, bác sĩ Hisse Arnts quyết định cho bệnh nhân dùng liều duy nhất 10mg thuốc ngủ Stilnox® (có hoạt chất zolpidem). Đây là loại thuốc ngủ thường dùng cho người khỏe mạnh.

Với kinh nghiệm điều trị chứng rối loạn thức tỉnh, bác sĩ biết đối với số ít bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng do chấn thương, do bệnh Parkinson hoặc tai biến mạch máu não, thuốc ngủ mang đến tác dụng khó tin là tạm thời cải thiện trạng thái thần kinh.

20 phút sau khi uống thuốc, anh bệnh nhân bắt đầu nói chuyện tự nhiên, hỏi han cô y tá cách sử dụng xe lăn rồi đòi ăn. Anh cố đứng lên đi lại và gọi điện cho cha, người đã không nghe giọng nói của con nhiều năm qua.

Bệnh nhân mắc chứng hay quên, không nhớ những gì xảy ra ba năm trước khi bị tai biến nhưng sau khi uống thuốc ngủ tỏ ra rất vui vẻ, hoạt bát, quan tâm đến những người xung quanh.

Hai giờ sau khi dùng thuốc ngủ, bệnh nhân dần dần trở lại trạng thái trước đó.

Bệnh nhân bị bất động, uống liều thuốc ngủ, đứng dậy hót chuyện như sáo - Ảnh 3.

 

Bệnh nhân dùng thuốc ngủ xong có thể đi lại với sự giúp đỡ của bác sĩ Hisse Arnt (trái) và một y tá - Ảnh: CORTEX

Không phải lúc nào thuốc ngủ cũng có tác dụng

Sau khi quan sát lần uống thuốc đầu tiên, bác sĩ Hisse Arnts đã kê đơn liều 10mg zolpidem 3 lần mỗi ngày trong bữa ăn.

Sau vài ngày, bà quan sát thấy hiệu quả của thuốc giảm mạnh. Thời gian bệnh nhân nói chuyện và cử động cũng như khả năng nói và vận động giảm xuống.

Một liều thuốc ngủ chỉ phát huy đầy đủ tác dụng một lần mỗi ngày trong năm ngày liên tiếp. Sau đó thuốc không còn tác dụng nữa. Ngay cả có tăng liều cũng không có tác dụng.

Trung bình thuốc ngủ chỉ có tác dụng rõ rệt sau khi ngưng dùng thuốc từ 2-3 tuần. Tác dụng bắt đầu khoảng 30 phút sau khi uống và kéo dài từ 30-60 phút.

Vì vậy, thuốc ngủ chỉ được dùng trong những dịp đặc biệt như khi gia đình vào thăm hoặc khi đi khám răng.

Bệnh nhân bị bất động, uống liều thuốc ngủ, đứng dậy hót chuyện như sáo - Ảnh 4.

 

Sóng beta trong não (trái) tác động đến trạng thái thức tỉnh - Ảnh: dreaminzzz.com

Đánh giá sinh lý thần kinh và đưa ra giả thiết

Một năm sau, bác sĩ Hisse Arnts và các đồng nghiệp bắt đầu đánh giá bệnh nhân về mặt sinh lý học thần kinh.

Họ phân tích điện não đồ (EEG) và từ não đồ (MEG-đo từ trường trong não) trước và sau khi dùng thuốc ngủ để đánh giá khả năng kết nối chức năng của não, nghiên cứu các video để hiểu rõ hành vi thay đổi của bệnh nhân.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận tác động của hoạt chất zolpidem đối với chứng lặng thinh bất động có thể do hoạt chất này tác động đến các mạch thần kinh liên quan đến thức tỉnh.

Cụ thể là zolpidem có thể khôi phục hoạt động của tế bào thần kinh GABA (tế bào nội tiết gamma-aminobutyric acid có chức năng ức chế các tế bào thần kinh khác) trong các mạch thần kinh liên quan đến điều chỉnh thức tỉnh và ứng xử.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết: tổn thương não do thiếu oxy có thể dẫn đến gia tăng bất thường về kết nối chức năng trong sóng beta của não gây ức chế mạnh đối với các chức năng hành vi và nhận thức.

Do đó, sử dụng hoạt chất zolpidem tạm thời có thể làm giảm mức độ kết nối cao trong sóng beta. Kết quả quan sát này phải được chứng thực qua nghiên cứu số lượng bệnh nhân nhiều hơn và có tổn thương não tương đồng.

Theo Tuổi trẻ 

comment Bình luận

largeer