Bệnh nhân tiểu đường nên và không nên uống gì?

Đối với bệnh nhân tiểu đường, các loại đồ uống có thể ảnh hưởng nhất định đến hàm lượng đường trong máu. Dưới đây là một số loại nước uống mà người bệnh được khuyến cáo tiêu thụ với mức độ khác nhau nhằm kiểm soát đường huyết và phòng ngừa nguy cơ biến chứng.
09/10/2023 16:43

Nên uống nhiều

Nước lọc: Mọi cơ quan trong cơ thể đều cần nước, nên bổ sung nước hợp lý sẽ tốt cho sức khỏe cả thể chất lẫn tâm thần. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Diabetes Care cho thấy người uống dưới 500ml nước/ngày có chỉ số đường huyết cao hơn so với người uống nhiều hơn. Nguyên nhân là cơ thể khi thiếu nước sẽ báo hiệu cho gan tăng sản xuất glucose, do đó làm tăng lượng đường trong máu.

Các chuyên gia cũng lưu ý, bệnh nhân tiểu đường đôi khi bị nhầm lẫn giữa cơn khát với cơn đói hoặc thèm món ngọt, nên trong trường hợp này, người bệnh nên uống một ly nước để xem xét phản ứng cơ thể.

Nước lọc + nước cốt trái cây

Nếu cảm thấy nước lọc quá nhạt nhẽo để uống, mọi người có thể tăng thêm hương vị bằng cách pha với một ít nước cốt chanh, việt quất hoặc nha đam. Loại nước pha chế này vừa ngon lành vừa có lợi cho sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường.

Sữa: Các chuyên gia sức khỏe cho biết sữa cũng là lựa chọn tốt đối với bệnh nhân tiểu đường bởi sữa có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp nhưng lại giàu prôtêin, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, người bệnh lưu ý chỉ nên uống sữa không béo, không đường hoặc sữa làm từ đậu nành, gạo hoặc các loại hạt. Do sữa cũng chứa chất bột đường (carbohydrate), nên người dùng cần tính luôn lượng calorie của nó trong thực đơn hằng ngày.

Ảnh minh họa: Pasgo

Ảnh minh họa: Pasgo

Uống điều độ: Trà thảo mộc

Thức uống ngon lành này không chứa calorie và carbohydrate nhưng lại rất dồi dào chất chống ôxy hóa, nên rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Người dùng lưu ý tránh thêm đường nếu không muốn giảm lợi ích của trà. Mọi người cũng có thể uống trà xanh hoặc trà cam thảo, loại thảo dược tăng vị ngọt của trà nhưng không làm tăng đường huyết. Một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất cam thảo có thể giúp giảm đường huyết ở người bị tiểu đường.

Nước ép trái cây nguyên chất: Tuy chứa nhiều vitamin có lợi sức khỏe, nhưng nước ép trái cây vẫn chứa đường tự nhiên và không cung cấp nhiều chất xơ. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường chỉ nên uống ở mức vừa phải và cần tính luôn hàm lượng calorie của nước trái cây vào chế độ ăn. Ngoài ra, để tránh làm tăng đường huyết đột ngột, người bệnh được khuyên dùng nước ép trái cây chung với thức ăn.

Cà phê: Hiện còn nhiều tranh cãi xung quanh khuyến cáo uống cà phê ở người bị tiểu đường. Theo đó, uống cà phê có thể mang đến tác động không mong muốn trong ngắn hạn, nhưng uống vừa phải về lâu dài lại có lợi cho sức khỏe người bệnh, bởi thức uống chứa caffein này bổ sung năng lượng nhưng không làm tăng đường huyết đột ngột. Lưu ý, người dùng không được thêm đường, kem hay sữa béo bởi chúng sẽ làm tăng chỉ số đường huyết.

Đồ uống nên tránh

Nước ngọt và các loại nước tăng lực: Bệnh nhân tiểu đường típ 2 đặc biệt được khuyến cáo không nên uống các loại nước giải khát này bởi chúng có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng. Mặc dù trên thị trường hiện có loại nước ngọt không calorie, không chứa đường hay chất tạo ngọt dành cho người ăn kiêng, nhưng bệnh nhân tiểu đường cũng nên hạn chế dùng.

Nước trái cây đóng hộp và rượu trái cây: Tuy có hương vị ngon như nước ép trái cây nhưng giá trị dinh dưỡng của hai thức uống này thường thấp trong khi lượng đường và tinh bột đường rất cao. Chúng cũng làm đường huyết tăng đột ngột giống như các loại nước ngọt.

Thức uống có cồn: Trong khi bia chứa tinh bột đường thì rượu không chứa đường. Tuy nhiên, rượu có thể khiến lượng đường trong máu sụt giảm, điều gây bất lợi cho những người đang dùng thuốc làm tăng tiết insulin (hoóc-môn kiểm soát đường huyết). Vì vậy người bệnh tốt nhất nên tránh cả hai loại đồ uống có cồn kể trên. Trong trường hợp đặc biệt (như khi cần xã giao), chỉ được uống ít và nên uống trong bữa ăn, nhưng nhớ giám sát chỉ số đường huyết.

Theo Medical News Today

comment Bình luận

largeer