Bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng khớp

Tổn thương phổi là một trong những biểu hiện ngoài khớp thường gặp ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp với tần suất chiếm khoảng 60% trong suốt quá trình bệnh. Các tổn thương biểu hiện ở màng phổi, đường hô hấp trên – dưới, mạch máu phổi, mô kẽ phổi…Trong đó, bệnh phổi mô kẽ thường gặp nhất, với tần suất phát hiện khoảng 60% trên HRCT và tỉ lệ nam: nữ là 2: 1.
19/10/2022 15:11

Yếu tố nguy cơ tiến triển bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp bao gồm nam giới, hút thuốc lá, tuổi cao, nồng độ cao của RF và anti –CCP, di truyền, sử dụng các thuốc độc tính lên phổi, hoạt tính bệnh cao.

Thời gian sống trung bình của những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có bệnh phổi mô kẽ là 2,6 năm kể từ khi chẩn đoán xác định. Trong đó khoảng 25% bệnh nhân tử vong trong năm đầu tiên và khoảng 20% bệnh nhân còn sống sau 8 năm kể từ lúc chẩn đoán. Bệnh phổi mô kẽ làm gia tăng 13% tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.

221007-1-1-082733-071022-36

Hình ảnh của bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp trên phim HRCT

Do dó bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp cần được chẩn đoán sớm, điều trị đúng và quản lý đa chuyên khoa để ngăn chặn tiến triển bệnh, giảm thiểu tử vong và giảm gánh nặng bệnh tật.

Thăm khám lâm sàng cần chú ý các triệu chứng  như ho hoặc khó thở không giải thích được và/ hoặc có ran phổi. Nếu có các triệu chứng này, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần được chụp HRCT và đo chức năng hô hấp để đánh giá tình trạng tổn thương phổi. Song song đó cần loại trừ các nguyên nhân khác như do thuốc, do nhiễm khuẩn, lao…

Bên cạnh đó, các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao tiến triển bệnh phổi mô kẽ cần được thực hiện hô hấp ký và có thể đo khả năng khuếch tán carbon monoxide.

*Khi nào cần điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp?

Có thể quyết định điều trị khi bệnh nhân có một trong các triệu chứng/dấu hiệu sau:

Khó thở độ III – IV theo MRC.

Ghi nhận triệu chứng/dấu hiệu lâm sàng nặng hơn có ý nghĩa nếu trước đó bệnh nhân không có hoặc có triệu chứng/dấu hiệu tối thiểu.

Tổn thương mô kẽ phổi >20% trên hình ảnh học.

FVC<70%.

FVC giảm >10% mỗi năm.

Bệnh khởi phát sớm < 7 – 8 năm.

DLco <70%.

*Các biện pháp điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp:

Điều trị không dùng thuốc:

+ Ngưng hút thuốc lá.

+ Oxy liệu pháp.

+ Vật lí trị liệu hô hấp: cải thiện khoảng cách đi bộ, triệu chứng và chất lượng cuộc sống.

+ Ghép phổi: bệnh nhân suy hô hấp nặng.

+ Tiêm phòng cúm và phế cầu, đặc biệt ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có bệnh phổi mô kẽ được điều trị ức chế miễn dịch.

+ Chăm sóc giảm nhẹ.

Điều trị bằng các thuốc: có thể điều trị bằng các thuốc như Glucocorticoid; các thuốc ức chế miễn dịch như: Cyclophosphamide, Mycophenolate mofeti, Cyclosporin, Azathioprin; thuốc ức chế tế bào lympho B: Rituximab và các thuốc chống xơ như: Nintedanib và Pirfenidone.

BS.Hoàng Công Trọng - Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 

comment Bình luận

largeer