Bệnh Whitmore có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?

Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong còn cao, khoảng 40-60%.
24/11/2022 09:16

Bệnh Whitmore có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?

Tiên lượng bệnh tùy theo từng biểu hiện bệnh cảnh lâm sàng và sức đề kháng của bệnh nhân. Cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn vẫn có, tuy nhiên tỷ lệ tử vong còn cao, khoảng 40-60%. Việc điều trị rất khó khăn và kéo dài, tốn kém.

whitmore-2928-1606395860

(Ảnh minh hoạ)

Mặc dù những người khỏe mạnh có thể mắc bệnh Whitmore, nhưng các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn và bệnh nền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố rủi ro chính là:

Bệnh tiểu đường

Bệnh gan

Bệnh thận

Thalassemia

Ung thư, hoặc một tình trạng khác (không liên quan đến HIV) làm suy yếu hệ thống miễn dịch

Bệnh phổi mãn tính (như xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và giãn phế quản

Nhiễm HIV/AIDS

Điều trị bệnh Whitmore như thế nào?

Các biện pháp điều trị theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế (năm 2019) bao gồm:

Điều trị kháng sinh đặc hiệu

Tất cả các trường hợp nhiễm B. pseudomalei từ nhẹ đến nặng đều cần được điều trị ban đầu bằng kháng sinh tĩnh mạch ít nhất hai tuần, sau đó là điều trị duy trì kháng sinh đường uống trong tối thiểu ba tháng.

Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch: lựa chọn một trong các kháng sinh sau:

- Ceftazidim (lựa chọn ưu tiên): 2g tiêm tĩnh mạch chậm, mỗi 6-8 giờ (trẻ em: 50mg/kg tiêm tĩnh mạch chậm mỗi 6 -8 giờ) tối đa 8g/ngày hoặc

- Meropenem: 1g truyền tĩnh mạch, mỗi 8 giờ (trẻ em: 25mg/kg mỗi 8 giờ), gấp đôi liều nếu có viêm màng não hoặc

- Imipenem/cilastatin: 1g truyền tĩnh mạch, mỗi 8 giờ (trẻ em 25mg/kg mỗi 8 giờ).

- Với những trường hợp bệnh nhân cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực nên lựa chọn kháng sinh nhóm carbapenem.

- Ở những bệnh nhân nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não và áp xe): có thể phối hợp trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX) dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

- Thời gian: kéo dài tối thiểu 2 tuần, có thể tới 4-8 tuần với những trường hợp bệnh nặng, sốc nhiễm trùng. Chỉnh liều ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận.

Giai đoạn duy trì: sử dụng kháng sinh đường uống, lựa chọn một trong các thuốc sau:

- TMP-SMX: liều 6-8 mg/kg/ (tính liều theo TMP), mỗi 12 giờ.

- Doxycillin 100mg/lần x 2 lần/ngày.

- Amoxicillin/Clavulanic: liều 60 mg/kg/ngày (tính theo liều amoxicillin), tối đa 1000 mg/lần x 3 lần/ngày.

- Thời gian duy trì kháng sinh: kéo dài từ 3 - 6 tháng tùy theo vị trí nhiễm trùng

Điều trị hỗ trợ

Các biện pháp điều trị hồi sức tích cực:

- Cần áp dụng phương pháp hồi sức và liệu pháp chăm sóc tích cực theo các hướng dẫn về viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

- Kiểm soát đường máu mao mạch, mục tiêu duy trì đường máu mao mạch từ 7-11 mmol/1.

Điều trị hỗ trợ:

- Phẫu thuật dẫn lưu cho các trường hợp bệnh nhân có áp xe một ổ lớn ở gan, cơ và áp xe tuyến tiền liệt.

- Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể phải dẫn lưu và rửa ổ khớp nhiều lần.

- Viêm xương tủy: cần phẫu thuật cắt bỏ xương hoại tử ở bệnh nhân có tổn thương viêm tủy xương hoại tử rộng và có ổ áp xe tủy xương.

- Phình động mạch nhiễm trùng (do vi khuẩn xâm nhập vào thành động mạch) cần được phẫu thuật khẩn cấp bằng việc thay thế các mảnh ghép mạch máu nhân tạo.

- Dự phòng huyết khối tĩnh mạch: sử dụng heparin trọng lượng phân tử thấp.

- Dự phòng loét do stress hoặc xuất huyết tiêu hóa: Dùng các thuốc ức chế bơm proton hoặc các thuốc kháng H2.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer