Biến đổi khí hậu có thể khiến tần suất các đợt nắng nóng tăng gấp 30 lần ở Ấn Độ và Pakistan

Các chuyên gia của tổ chức Phân bố Thời tiết Toàn cầu (WWA) ngày 24/5 đã công bố một báo cáo khẩn cấp về những ảnh hưởng của việc thời tiết ấm lên trên toàn cầu đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo đó, biến đổi khí hậu có thể khiến tần suất các đợt nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan trong tháng 3 và tháng 4 tăng cao gấp 30 lần.
24/05/2022 16:39
373

Ảnh minh họa

Theo nhà nghiên cứu cao cấp Friederike Otto thuộc Viện Grantham, trường Đại học Hoàng gia London, trước khi con người gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, sự thay đổi thời tiết như vậy chỉ diễn ra một lần trong khoảng 3.000 năm. Bà cùng các nhà nghiên cứu của WWA cho biết khoảng thời gian nhiệt độ toàn cầu tăng 1,2 độ C đã được rút ngắn, với tần suất và mức độ như ở Nam Á xuống còn 100 năm, đồng thời khẳng định khi Trái Đất tiếp tục nóng lên, khoảng thời gian giữa các đợt nóng khắc nghiệt như vậy sẽ tiếp tục bị rút ngắn. 

Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,6 độ C so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp thì hiện tượng nắng nóng như vậy cứ 5 năm sẽ diễn ra 1 lần. Việc nhiệt độ Trái Đất tăng 2 độ C là một kịch bản đáng quan ngại, các quốc gia hiện nay đã cam kết giảm phát thải nhà kính tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 2,8 độ C.

Bà Otto khẳng định: “Câu hỏi về khả năng những đợt nóng khắc nghiệt nhất hiện nay có thể xảy ra trong thời kỳ tiền công nghiệp hay không đã trở nên lỗi thời. Mục tiêu tiếp theo của khoa học là cung cấp thông tin phục vụ việc các chính phủ đưa ra những quyết định phản ứng lại các đợt nóng chưa từng có trong tương lai. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất trong nghiên cứu của chúng tôi là việc giới hạn Trái Đất nóng lên ở 2 độ C”.

Thời điểm nắng nóng nhất ở Pakistan và Ấn Độ là trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4. Theo đó, cần mất nhiều tháng để tính toán được những tác động về tính mạng và sức khỏe của hiện tượng thời tiết cực đoan này, bao gồm thời gian nằm viện, giảm lương, nghỉ học và giảm giờ làm. Đợt nắng nóng là nguyên nhân trực tiếp của hơn 90 ca tử vong, tuy nhiên con số này thực tế còn cao hơn nhiều, có thể lên tới hàng nghìn người. 

Nắng nóng cùng với lượng mưa giảm từ 60-70% là thảm họa đối với nền nông nghiệp ở Ấn Độ. Để đối phó, tuần trước, Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu hàng triệu tấn lương thực, khiến tình hình giá lương thực tăng cao trên toàn cầu thêm trầm trọng.

Đề cập đến mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong việc kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu, bản báo cáo cho biết: “Có thể tưởng tượng được mức độ tồi tệ như thế nào ngay cả khi thế giới chỉ ấm lên 1,5 độ C”. Do đó, nhiệt đột toàn cầu cứ tăng 1,5 độ C thì đều sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến những người dễ bị tổn thương, do không được tiếp cận các biện pháp giảm nhiệt độ, làm mát. 

Theo mức trung bình nhiệt độ cao nhất trong ngày ở Tây Bắc Ấn Độ và Nam Pakistan, bản báo cáo cho rằng có thể tính toán được tần suất của các đợt nóng như vậy ở hiện tại cũng như trong tương lai. Thêm vào đó, văn phòng Met của Anh cũng cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu ấm lên như hiện nay có thể tăng tần suất nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan lên 100 lần.

Bản báo cáo cũng đưa ra ví dụ về trường hợp nắng nóng ở phía Tây của Bắc Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái, khi nhiệt độ Canada được ghi nhận ở mức 49,6 độ C, đồng thời khẳng định nhiệt độ này sẽ không thể xảy ra nếu không có tác động của con người, gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Bà Otto nhận định nếu lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính không giảm, các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy sẽ trở nên phổ biến, trong đó các đợt nắng nóng sẽ là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhất.

Các nhà khoa học đã dự báo tình huống như vậy từ trước, nhưng chỉ gần đây mới có nhiều dữ liệu cũng như các công cụ ứng dụng công nghệ cao để đánh giá về những ảnh hưởng của việc nóng lên toàn cầu như hiện nay.

Theo Tin Tức

comment Bình luận

largeer