Biểu tượng Quốc kỳ Việt Nam

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có những biểu trưng thể hiện chủ quyền và bản sắc của riêng mình. Quốc kỳ nền đỏ sao vàng rực rỡ, tươi thắm, xứng đáng là một biểu tượng đặc biệt, thiêng liêng, cao quý và đầy tự hào của nước Việt Nam.
03/09/2024 11:12

Từ đầu những năm 1930, trong các cuộc đấu tranh cách mạng Việt Nam, đã thấy xuất hiện lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh nhưng được lồng trên hình búa liềm. Cuối năm 1940, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp và phát xít Nhật diễn ra mạnh mẽ tại các tỉnh miền Nam. Từ ngày 21 đến 23/09/1940, Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ tiến hành họp mở rộng, bàn kế hoạch khởi nghĩa. Trước lúc khởi nghĩa, một vấn đề quan trọng đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng. Cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động khởi nghĩa vào ngày 23/11/1940 và thực hiện di huấn của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ khởi nghĩa, với ước muốn là sau khi đánh đổ thực dân đế quốc sẽ thành lập nước Việt Nam cộng hòa dân chủ và Quốc kỳ Việt Nam sẽ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa.

Dinh dang kich thuoc va ty le Quoc ky Viet Nam

Định dạng kích thước Quốc kỳ Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (sinh ngày 5/3/191 tại Hà Nam, là một chiến sĩ cách mạng nhiệt tình và tài hoa) được trao nhiệm vụ sáng tác mẫu cờ. Sau nhiều ngày suy nghĩ, miệt mài phác thảo, đồng chí Tiến đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt này: tạo ra lá cờ hình chữ nhật có ngôi sao vàng 5 cánh nằm giữa nền đỏ tươi. Chiều rộng lá cờ bằng 2/3 chiều dài. 5 đỉnh của ngôi sao nằm trên đường tròn có tâm tại chính tâm lá cờ và bán kính bằng 1/5 chiều dài lá cờ (tức bằng 3/10 chiều rộng). 5 đỉnh còn lại của hình thập giác thể hiện ngôi sao đều nằm trên đường tròn đồng tâm mà bán kính bằng 1/10 chiều dài lá cờ (như vậy, mẫu ngôi sao này hơi khác - đầy đặn hơn - ngôi sao trên Quốc kỳ Việt Nam hiện nay). Nguyễn Hữu Tiến cũng sáng tác một bài thơ đầy tâm huyết về lá cờ:  

Hỡi những ai máu đỏ da vàng

Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc

Nền cờ thắm máu đào vì đất nước

Sao vàng tươi da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi  ta rồi

Hỡi sĩ - công - nông - thương - binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.

Ban lãnh đạo khởi nghĩa khi đó là Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... rất tâm đắc và đã chuẩn y mẫu cờ trên. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp với biểu tượng cờ đỏ sao vàng, làm lao đao chính quyền đô hộ. Chúng đàn áp khốc liệt. Hàng ngàn người bị bắt, tra tấn và giết hại. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù ngày 28/8/1941 cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... Trước lúc ngã xuống, đồng chí đã kịp gửi lại một bài thơ động viên đồng bào, chiến sĩ, với những câu tràn trề tinh thần lạc quan cách mạng:

... Anh em đi trọn con đường nhé

Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai...

Trung tuần tháng 5/1941, tại rừng Khuổi Nậm thuộc Pắc Bó (Hà Quảng - Cao Bằng), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Tháng 9/1941, văn kiện Chương trình Việt Minh được soạn thảo, trong đoạn mở đầu ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Đây được coi là văn bản đầu tiên chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Quoc ky Viet Nam tu nam 1945 den 1955

Quốc kỳ Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1955

Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), thống nhất quyết định Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có một sao vàng năm cánh.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, đỏ rực cả Quảng trường. Ngày 5/9/1945, Bác ký Sắc lệnh số 5-SL ấn định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I, ngày 2/3/1946, Bác phát biểu khẳng định: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi Quốc kỳ và Quốc ca…”, toàn thể đại biểu Quốc hội đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ nước ta. Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam thông qua cuối năm 1946 cũng quy định rõ: “Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam liền một dải. Từ ngày 24/6 đến 3/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại Hà Nội, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, đổi Quốc hiệu là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công nhận Quốc kỳ Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đều chính thức hóa, cụ thể hóa mô hình Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Empty

Quốc kỳ Việt Nam từ năm 1955 đến nay

Những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, bùng lên giả thuyết đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941) không phải là tác giả cờ đỏ sao vàng, mà người ấy là đồng chí Lê Quang Sô (1894-1978). Theo đó, được sự phân công của Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là Tỉnh ủy Tiền Giang), từ đầu năm 1940, đồng chí Lê Quang Sô đã tìm kiếm, phác thảo nhiều mẫu quốc kỳ và đến tháng 04/1940 chọn vẽ mẫu nền đỏ sao vàng. Tháng 7/1940, hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ đã phê duyệt mẫu nền đỏ sao vàng và lấy đó làm lá cờ chính thức trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940… Cùng với ảnh hưởng của giả thuyết này, trong Công văn số 1393/VHTT-BTCM mà Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lưu Trần Tiêu ký ngày 18/4/2001 cũng ghi rõ: “Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc”. Dù vậy, đến nay, tranh luận về tác giả vẽ Quốc kỳ vẫn chưa ngã ngũ, nhưng quan điểm “đồng chí Nguyễn Hữu Tiến chính là tác giả vẽ Quốc kỳ” vẫn được đông người ủng hộ hơn.

Về ý nghĩa hình thức Quốc kỳ, nền đỏ tươi tượng trưng cho màu máu đỏ, màu nhiệt huyết cách mạng, màu sinh lực và chiến đấu, chiến thắng; sắc vàng tươi của ngôi sao tượng trưng cho màu da vàng, cho sự rạng rỡ của linh hồn dân tộc Việt Nam; 5 cánh sao là sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân (sĩ, công, nông, thương, binh) trong sự nghiệp dựng, giữ và phát triển đất nước. Về định dạng hình thức Quốc kỳ, nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, hình chữ nhật với chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh màu vàng tươi; tâm ngôi sao trùng với điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ; khoảng cách từ tâm ngôi sao đến đầu mỗi cánh sao bằng một phần năm chiều dài Quốc kỳ; một cánh sao có trục từ đỉnh vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ; từ đầu mỗi cánh sao đến đầu cánh sao đối diện (cách 1 cánh) là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu; hai mặt Quốc kỳ đều có sao vàng trùng khít nhau. Hiến pháp năm 2013 hiện hành tiếp tục khẳng định và chính thức hóa mô hình Quốc kỳ Việt Nam bằng quy định tại Khoản 1 Điều 13: “Quốc kỳ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Xuân Hồng

comment Bình luận

largeer