Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại Hải Phòng

Chiều ngày 12/10, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã dẫn Đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khảo sát tình hình thực hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
13/10/2023 14:45

Nhiều cơ chế mạnh, đột phá trong giáo dục

Theo báo cáo của thành phố Hải Phòng, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, việc đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học đã mang lại kết quả tích cực ở các bậc học. Trong đó, đối với giáo dục mầm non, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; 100% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non. Đối với giáo dục trung học, Hải Phòng giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Đáng chú ý, trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, Hải Phòng có một số cơ chế mạnh có tính chất đột phá, chính sách đặc thù, tiêu biểu toàn quốc trong thực hiện nhiệm thu hút, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi. Nhờ đó, đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Hải Phòng cũng là “điểm sáng” trong đổi mới chính sách, cơ chế tài chính. Theo đó, thành phố đã thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học mầm non, trung học cơ sở từ năm học 2020-2021; hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông từ năm học 2021-2022 (trong đó có cả học sinh ngoài công lập).

Về việc huy động sự tham gia đóng góp của xã hội, kinh phí từ nguồn xã hội hóa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kinh phí cho giáo dục Hải Phòng. Trong đó, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục mầm non trong 10 năm (2010-2019) đạt hơn 2.300 tỷ đồng (chiếm 30-40% tổng kinh phí đầu tư hằng năm cho giáo dục mầm non).

Bên cạnh những kết quả nêu trên, so với mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 29, Hải Phòng cũng còn một số hạn chế như: Quỹ đất cho giáo dục còn thiếu, nhiều trường học không đủ diện tích, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được theo quy định; cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ; còn tình trạng thừa thiếu cục bộ tại địa phương; chi đầu tư cho giáo dục chưa được như mong muốn; xã hội hóa giáo dục còn hạn chế...

Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 làm việc, khảo sát tại huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 làm việc, khảo sát tại huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Cần ứng xử với nhà giáo, nhà trường một cách phù hợp

Trao đổi với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện Nghị quyết 29, các văn bản này đều đi vào cuộc sống và tạo hiệu ứng tốt như Nghị quyết 06 của HĐND thành phố về quy định cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; Nghị quyết 54 của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.

“Có những khu đất nếu để phát triển đô thị thì có thể thu vài nghìn tỷ nhưng thành phố vẫn sẵn sàng dành đất để ưu tiên thu hút đầu tư quốc tế cho giáo dục”, Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam nhấn mạnh điều này để khẳng định chủ trương của Hải Phòng trong việc tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục trong thời gian tới.  

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của Hải Phòng trong việc thực hiện Nghị quyết 29, trong đó bày tỏ ấn tượng đối với các chính sách an sinh xã hội thành phố đã triển khai trong lĩnh vực giáo dục.

Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Hải Phòng tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa  Nghị quyết 29, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng tin gọn, hiệu lực, hiệu quả; cần có định hướng, đẩy mạnh tuyên truyền về hướng nghiệp, dạy nghề; chú trọng xây dựng xã hội học tập.

“Bên cạnh cơ chế thu hút giáo viên, cũng cần xây dựng môi trường làm việc, cách ứng xử với nhà giáo, nhà trường một cách phù hợp”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị.

Lưu ý vai trò người đứng đầu trong đổi mới giáo dục

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác có buổi làm việc với Huyện ủy huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện lãnh đạo huyện Kiến Thụy cho biết, thực hiện Nghị quyết 29, Huyện ủy Kiến Thụy đã quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các điều kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng giáo dục.  

Nhờ đó, 10 năm qua, mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn huyện là 75,8% trường công lập. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến rõ nét. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá không ngừng được đổi mới; nền nếp và kỷ cương được duy trì.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt lưu ý vai trò của người đứng đầu, từ tổ trưởng chuyên môn đến hiệu trưởng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm khích lệ đội ngũ này cũng như tiếp tục chăm lo, đầu tư nguồn lực cho giáo dục và chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer