Bỏ uống thuốc chữa rối loạn nhịp tim, người đàn ông bị đột quỵ

Sau 4 tháng sử dụng đơn thuốc bác sĩ kê có thuốc chữa rối loạn nhịp tim, người đàn ông tự ý bỏ không uống, sau đó bị đột quỵ.
20/01/2021 08:19

Bệnh nhân 60 tuổi, 6 tháng trước phát hiện bị loạn nhịp tim, bác sĩ kê thuốc sintrom chống đông. Ông tự ý bỏ thuốc, sau đó đột quỵ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, ngày 19/1 cho biết bệnh nhân sức khỏe rất tốt. Khi phát hiện loạn nhịp tim, bác sĩ kê toa thuốc sintrom chống đông nhằm phòng ngừa các biến cố tim mạch, đột quỵ não. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân tuân thủ phác đồ uống thuốc, tái khám thường xuyên để kiểm soát nhịp tim.

Tuy nhiên, ông uống thuốc được 4 tháng thì tự ý bỏ vì "sợ nguy cơ máu khó đông". Sau ngừng thuốc, ông bị đột quỵ, được người nhà đưa vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, cấp cứu đầu tháng 1.

dot quy

Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ và Điện quang điều trị bằng phương pháp lấy huyết khối cơ học, tập phục hồi chức năng... Tuy nhiên, tổn thương trên não quá lớn, kèm bệnh tim phức tạp, cơ hội ông phục hồi thấp, di chứng để lại nặng nề.

"Tự ý bỏ thuốc chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn", bác sĩ cho biết. "Nếu bệnh nhân tuân thủ lời dặn của bác sĩ, đi khám thường xuyên thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc này".

Bác sĩ Tôn cho biết, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, bệnh tim mạch, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng... Bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Tầm soát đột quỵ là tầm soát các nguyên nhân, yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ. Với từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các khảo sát phù hợp, kết hợp dùng thuốc. Bệnh nhân tự ý bỏ thuốc dự phòng hoặc giảm liều rất nguy hiểm.

Khi bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ. Các dấu hiệu sau: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn..

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân nguy cơ tử vong cao. Trường hợp cứu được, di chứng để lại cho bệnh nhân rất nặng nề.

Chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng, tuân thủ điều trị và dùng thuốc dự phòng theo chỉ dẫn. Để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì... Ngoài ra, nên thay đổi thói quen xấu, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng động, nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer