Bụi mịn quanh bạn: Hiểm họa sức khỏe, làm sao loại bỏ?

Bụi PM1.0 là hạt bụi siêu nhỏ (≤1 micromet), dễ xâm nhập vào phổi và máu, gây tổn thương tế bào, phá vỡ DNA, làm tăng nguy cơ viêm phổi, bệnh mạn tính và ung thư.
04/07/2025 10:09

Dấu hiệu nhận biết bụi mịn trong không khí

Bụi mịn là mối đe dọa âm thầm, gây hại cho nhiều cơ quan trong cơ thể. Dấu hiệu ban đầu thường là ho khan, ho kéo dài, khó thở, tức ngực, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng. Ngoài ra, mắt có thể bị đỏ, ngứa, chảy nước hoặc khô rát; da khô, nổi mẩn, kích ứng; kèm theo đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, mất tập trung. Tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến hen suyễn, viêm phế quản mạn, COPD, bệnh tim mạch và tổn thương các cơ quan khác.

Khi các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên, nhất là vào ngày ô nhiễm không khí cao, cần đi khám sớm để được can thiệp kịp thời.

Empty

 Bụi mịn gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người dân (Ảnh: Vinmec)

Tác hại của bụi mịn đối với sức khỏe

Hệ hô hấp

Bụi mịn xâm nhập sâu vào phổi, gây viêm, tổn thương mô, làm tăng nguy cơ viêm phổi, hen suyễn, ung thư phổi. Trẻ nhỏ, người già và người có bệnh hô hấp dễ bị ảnh hưởng nhất.

Tim mạch

Bụi mịn thâm nhập vào máu, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, cao huyết áp, suy tim do gây viêm và co thắt mạch máu, dễ hình thành cục máu đông.

Não bộ

Bụi mịn vượt qua hàng rào máu não, gây viêm và tổn thương thần kinh, liên quan đến suy giảm trí nhớ, Alzheimer, Parkinson và ảnh hưởng phát triển trí tuệ trẻ em.

Da và hệ miễn dịch

Gây khô da, viêm da, dị ứng, đẩy nhanh lão hóa. Viêm kéo dài làm suy yếu hệ miễn dịch, cơ thể dễ mắc bệnh hơn.

Bệnh mãn tính

Người mắc tiểu đường, tim mạch, COPD dễ trở nặng vì bụi mịn kích thích phản ứng viêm, khiến bệnh tiến triển nhanh và khó kiểm soát.

Empty

 Bụi mịn len lỏi vào cơ thể, âm thầm tấn công phổi, tim và cả não bộ (Ảnh: Vinmec)

Cách phòng tránh bụi mịn

Để bảo vệ sức khỏe trong môi trường ô nhiễm bụi mịn, việc đeo khẩu trang đúng cách là rất quan trọng. Nên chọn khẩu trang đạt chuẩn như N95 hoặc KN95, có khả năng lọc đến 95% hạt bụi siêu nhỏ PM2.5. Đeo kín khít và thay mới khi khẩu trang bị ẩm hoặc bẩn, không tái sử dụng khẩu trang dùng một lần để tránh giảm hiệu quả và nguy cơ nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, sử dụng máy lọc không khí giúp loại bỏ bụi và chất ô nhiễm trong nhà, đặc biệt cần thiết với người sống ở khu vực ô nhiễm cao. Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên lau dọn, hạn chế tiếp xúc với rác thải, hóa chất cũng góp phần giảm phát tán bụi mịn.

Ngoài ra, cần tăng cường sức đề kháng bằng cách duy trì chế độ ăn uống khoa học, vận động đều đặn và nghỉ ngơi hợp lý. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn chống chọi tốt hơn với các tác nhân gây hại từ bụi mịn và ô nhiễm môi trường.

Thành Nhân (tổng hợp)

comment Bình luận