Giãn tĩnh mạch chân: Nhận biết sớm, tránh biến chứng

Giãn tĩnh mạch chân không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ mà còn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
04/07/2025 10:08

Giãn tĩnh mạch chân là gì?

Empty

Giãn tĩnh mạch chân là các đường vân màu tím hoặc xanh xuất hiện trên chân (Ảnh minh họa) 

Giãn tĩnh mạch chân xảy ra khi các tĩnh mạch không còn đưa máu trở về tim hiệu quả. Lúc này, các van một chiều bên trong tĩnh mạch bị suy yếu, khiến máu chảy ngược và ứ đọng, làm tĩnh mạch phồng to, ngoằn ngoèo và nổi rõ dưới da. Không chỉ gây mất thẩm mỹ, tình trạng này còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Hệ quả của giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây khó chịu như đau nhức, mỏi và cảm giác nặng chân. 

Ở mức độ nặng, bệnh có thể dẫn đến hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch giãn, đặc biệt khi máu đặc lại do mất nước. Những cục máu đông này có thể di chuyển vào tĩnh mạch sâu, gây huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và thuyên tắc phổi nguy hiểm đến tính mạng.

Empty

Một trong những triệu chứng giãn tĩnh mạch là hiện tượng sưng phù bàn chân (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, máu ứ đọng lâu ngày khiến mắt cá chân sưng, da sậm màu, thậm chí dẫn đến loét tĩnh mạch. Chỉ một vết xước nhỏ cũng có thể tạo thành vết loét hở, khó lành và dễ nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa và điều trị giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch có yếu tố di truyền và thường gặp hơn khi tuổi tác tăng, đặc biệt ở phụ nữ do thay đổi thể tích máu trong thai kỳ. Người thừa cân hoặc thường xuyên ngồi, đứng lâu cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Empty

Không ngồi hoặc đứng quá lâu trong một tư thế - nguyên tắc quan trọng để bảo vệ tĩnh mạch chân (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, tình trạng này có thể được phòng ngừa và cải thiện bằng những cách đơn giản dưới đây:

- Tập thể dục thường xuyên: Các bài tập giúp vận động cơ bắp chân, như đi bộ hoặc động tác kiễng chân (calf raises), rất hữu ích trong việc cải thiện lưu thông máu.

- Vận động nhẹ khi ngồi lâu: Khi phải ngồi lâu, đặc biệt trong các chuyến đi dài như trên máy bay hoặc ô tô, hãy duỗi thẳng và gập bàn chân để giúp máu lưu thông.

- Giữ cân nặng hợp lý và tránh đứng hoặc ngồi quá lâu: Điều này không chỉ giúp giảm tải cho tĩnh mạch mà còn giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến giãn tĩnh mạch.

Nếu bạn thấy tĩnh mạch chân sưng to, đau nhức kéo dài hoặc xuất hiện loét chân, hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

Thảo Nguyên (tổng hợp)

comment Bình luận