Cà Mau tăng cường hoạt động ngăn ngừa xử lý ngộ độc thực phẩm

Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau vừa có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường hoạt động ngăn ngừa xử lý ngộ độc thực phẩm theo nội dung Công điện số 44/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 2487/BYT-ATTP của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
23/05/2024 14:39

Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp. Triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. 

Người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn. Thống kê, cập nhật đầy đủ danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, lưu ý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố; cơ sở kinh doanh thực phẩm, gánh hàng rong trước cổng các trường học; các cơ sở nấu rượu.

Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh xuất ăn sẳn, dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố, cơ sở nấu rượu,... Chú ý kết hợp các hình thức, nội dung tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan báo chí nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. 

camau1

Các cơ sở nấu rượu ở các địa phương phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát (Ảnh: Camau.gov)

Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đồng thời, phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người. 

Tổ chức triển khai lực lượng kiểm tra ATTP có trọng tâm các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của cấp huyện, cấp xã, đảm bảo tránh chồng chéo hoặc bỏ sót cơ sở. Trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở nấu rượu; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn quản lý. Tổ chức thực hiện công tác giám sát, phân tích nguy cơ đối với ATTP; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố ATTP; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (thuộc đối tượng phải cấp). Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng. 

Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm; cấp cứu, điều trị kịp thời và bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

Diễm Phương

comment Bình luận

largeer