Cà Mau thực hiện chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030”

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 - 2030”.
11/07/2023 18:05

Mục tiêu đề ra đến năm 2025 có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, có 80% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; 80% các huyện, thành phố có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Đến năm 2030, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, có 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; 100% các huyện, thành phố triển khai nhân rộng mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Ảnh: Camau.gov

Ảnh: Camau.gov

Hàng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện địa phương và đặc điểm riêng của trẻ.

Đối với giáo viên, đến năm 2025 bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; 60% trở lên cán bộ quản lý, giáo viên mầm non dạy vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; tự bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương để giao tiếp, thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Đến năm 2030, bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp và nhân viên theo quy định. 95% trở lên cán bộ quản lý, giáo viên mầm non dạy vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; tự bồi dường tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương để giao tiếp, thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Đối với cơ sở giáo dục mầm non, đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các huyện, thành phố; bổ sung bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách.

Nguyệt Thanh

comment Bình luận

largeer