Các rối loạn tâm lý thường gặp ở người cao tuổi

Rối loạn tâm lý ở người cao tuổi xảy ra do sự thay đổi bất ngờ về cơ thể biểu hiện bằng sự lo lắng, buồn rầu, chán nản....
02/12/2020 11:21

Theo thống kê năm 2020, thế giới có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số; năm 2050, con số này sẽ tăng gấp đôi, đạt hơn 1,5 tỷ người cao tuổi và chiếm 16% dân số. Dự báo đến giữa thế kỉ này, cứ 6 người sẽ có một người trên 65 tuổi.

Với số lượng người cao tuổi chiếm tỷ lệ tăng dần như hiện tại, các vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ngày càng được quan tâm.

Liên quan đến vấn đề sức khỏe, chứng rối loạn tâm lý của người cao tuổi rất phổ biến mặc dù, theo các nhà nghiên cứu, người cao tuổi ngày càng có xu hướng hạnh phúc hơn người trẻ và hầu hết các nghiên cứu báo cáo mức độ thấp hơn của tất cả các bệnh tâm thần ở người cao tuổi, trừ trường hợp mất trí nhớ. Về lý thuyết, Tiến sĩ Dilip V. Jestemột giáo sư thần kinh tại Đại học California, San Diego cho biết:  "Các nghiên cứu về não cho thấy rằng hạch hạnh nhân ở người lớn tuổi đáp ứng ít hơn đối với stress hoặc hình ảnh tiêu cực so với một người trẻ hơn". 

nct

Hình minh họa.

Tuy nhiên, chứng rối loạn tâm lý ở người cao tuổi cũng có nhiều người mắc phải. Ở người cao tuổi, rối loạn này biểu hiện bằng việc họ liên tục có cảm giác chán nản, lo âu, buồn rầu quá mức. Các hiện tượng này thường kèm theo việc mất ngủ, chán ăn... có thể gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe.

Các rối loạn tâm lý ở người già đa phần là trầm cảm và lo âu. 

Trước tiên có thể thấy được những biến đổi tâm lý ở người cao tuổi và các nguyên nhân sâu xa của nó.

Tâm lý cô đơn, đây là một tâm lý phổ biến ở hầu hết người cao tuổi bởi vì trước đó họ vẫn đi làm,được tiếp xúc, giao tiếp nhiều người. Nhưng khi cơ thể yếu đi, người cao tuổi ít ra ngoài hơn và hay ở một mình sẽ dễ sinh ra cảm giác buồn chán, cô đơn.

Tâm lý hoài cổ: Người cao tuổi rất thích nhớ lại quá khứ, thích kể những chuyện đã qua và rất hay quên nên hay nói đi nói lại một câu chuyện và thích truyền lại cho con cháu những hiểu biết kinh nghiệm mà họ đã trải qua.

Hay lo lắng bi quan, lo âu: người cao tuổi rất lo cho sức khỏe của mình luôn có tâm lý lo sợ “gần đất xa trời”. Các biến đổi cơ thể vì sự lão hóa của hệ thần kinh, tim mạch, xương khớp... khiến họ trở nên nhạy cảm, lo âu. Do tâm lý cô đơn trở nên tự ti nóng nảy vì nhận thấy địa vị xã hội của mình ngày càng kém đi, tinh thần dễ nổi cáu trước những việc nhỏ nhặt, dễ dao động, khó kiềm chế kiểm xúc. Dễ bị sốc, ngất xỉu, hay xơ cứng động mạch, tai biến khi gặp những vấn đề chấn động tinh thần lớn.

Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về rối loạn tâm thần ở bệnh viện đa khoa trên 25.000 bệnh nhân trên 14 quốc gia cho thấy 1/4 có rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm lý thường gặp nhất là lo âu.

Lo âu có thể là biến chứng của điều trị hoặc xuất phát từ nhận định tiêu cực về tiên lượng bệnh của mình. Các biểu hiện lo âu thường rất đa dạng, phức tạp. Bệnh nhân cảm thấy sợ hãi, lo lắng về tương lai, dễ cáu, khó tập trung tư tưởng, căng thẳng vận động, bồn chồn, đứng ngồi không yên, đau đầu, khô miệng, đánh trống ngực.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, 13% người dân có cơn trầm cảm và người cao tuổi hay mắc chứng trầm cảm hơn. Về mặt y khoa, trầm cảm là một rối loạn thuộc nhóm rối loạn khí sắc thể hiện sự ức chế của cảm xúc, tư duy và vận động. Người bệnh trải qua cảm xúc buồn rầu ủ rũ, nhìn sự vật xung quanh một cách bi quan ảm đạm. Bệnh nhân có tư duy chậm chạp, biểu hiện bằng suy nghĩ chậm chạp, liên tưởng không nhanh chóng, tự cho mình là thấp kém, có hoang tưởng bị tội, hoang tưởng tự buộc tội, hoang tưởng nghi bệnh, có ý nghĩ và hành vi tự sát.

Trầm cảm ở người già thường biểu hiện bằng sự lo lắng thái quá về sức khỏe, cảm giác buồn phiền, chán nản và mất niềm tin kéo dài. Những triệu chứng này thường kèm theo sự suy giảm nghị lực, mất tập trung, mất ngủ, chán ăn, khó ngủ và đi đến suy kiệt.

Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng – Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Việc nhận biết trầm cảm ở người cao tuổi không phải lúc nào cũng dễ dàng, tuy nhiên có một số dấu hiệu quan trọng là thay đổi cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, mỏi lưng, đau ngực, đau khớp, rát lưỡi, táo bón dai dẳng… Một số bệnh nhân có biểu hiện hay quên, nhầm lẫn các đồ vật, các biểu hiện này thường xảy ra đột ngột giống như mất trí rất dễ chẩn đoán nhầm.

Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi có thể suy giảm nhờ sự quan tâm, tình yêu thương từ các thành viên trong gia đình. Nên khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội, thể dục thể thao dưỡng sinh và vận động, trò chuyện với bạn bè. Ngoài ra người cao tuổi cũng cần được cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ để đảm bảo sức khỏe.

Thùy Dương (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer