Hạn chế tổn thương tâm lý của trẻ em sau lũ

Các tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Trong đó, trẻ em là đối tượng mong manh, dễ bị thương tổn tâm lý trầm trọng nhất.
04/11/2020 09:56

Hiện nay, các tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Trẻ em là đối tượng mong manh, dễ bị thương tổn tâm lý trầm trọng nhất. Chúng tôi đã trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) về giải pháp nhằm giảm nhẹ và giúp trẻ vượt qua đợt sốc tâm lý này.

tre em

Người lớn chính là chỗ dựa còn lại cho con trẻ sau bão lũ đau thương - Ảnh: Sơn Vinh

Phóng viên: Bác sĩ đánh giá thế nào về các mức độ chấn thương tâm lý mà trẻ em vùng lũ của nước ta đang phải gánh chịu?

Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc: Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, khoảng 2,5 triệu trẻ em tại miền Trung bị tác động do đợt bão lũ vừa qua. Điều đó có nghĩa là các bé phải gánh chịu sự mất mát người thân, nhà cửa, tài sản; chịu tổn thương về thực thể (vết thương trên cơ thể, gãy tay, chân…); không được đến trường (cô lập với các mối quan hệ thầy cô và bạn bè); cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn… Từ những áp lực trên khó có trẻ nào không bị rối loạn về tâm lý. Qua đó, chúng ta cần nhạy bén nhận biết các dấu hiệu tâm lý bất thường ở trẻ thì mới có thể giúp đỡ các bé kịp thời.

Cụ thể, người lớn cần lưu ý điều gì ở trẻ để có thể hỗ trợ kịp thời, thưa bác sĩ?

- Tôi chia trẻ em ra thành ba nhóm đối tượng theo độ tuổi: trẻ mầm non, tiểu học và thiếu niên. Ở mỗi nhóm tuổi này, trẻ sẽ có các biểu hiện sang chấn tâm lý khác nhau từ nhẹ tới nặng. 

bs

TS-BS Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM).

Trước tiên, đối với nhóm trẻ mầm non, triệu chứng rối loạn tâm lý ban đầu có thể từ những thay đổi cảm xúc nhẹ như quấy khóc, bỏ ăn, đeo bám người chăm sóc, sợ hãi tiếp xúc với người lạ. Nặng hơn nữa, nhóm trẻ này sẽ bị rối loạn giấc ngủ do quen ngủ giường, ngủ võng nay hoàn cảnh sống bị thay đổi không thích nghi kịp, như ngủ không sâu, giật mình thảng thốt và thức giấc nhiều lần.

Các bé từ ba đến bốn tuổi khi trực tiếp chứng kiến thảm họa như sụt lún đất, nhà cửa bị cuốn trôi… rất dễ gặp ác mộng, luôn hoảng sợ vô cớ. Nghiêm trọng hơn nữa, nếu chẳng may bị mất đi cha hoặc mẹ, người thân thường xuyên gắn bó chăm sóc mình, những bé này có nguy cơ bị rối loạn thần kinh (hung hăng, cáu gắt, tè dầm). 

Tiếp đến, với nhóm trẻ ở độ tuổi tiểu học, các bé đã nhận thức được mọi thứ xung quanh, có suy nghĩ và cảm nhận sâu sắc hơn. Bởi thế, cú sốc tâm lý cũng để lại hậu quả nặng nề hơn. Đa phần ở tuổi này các bé sẽ tĩnh lặng chứ không quấy khóc như nhóm trẻ mầm non, tránh tiếp xúc với mọi người, lầm lì, nặng hơn nữa là rơi vào trạng thái trầm cảm nếu không được can thiệp kịp thời.

Cuối cùng, đối tượng dễ gặp nguy hiểm hơn cả là nhóm trẻ trong độ tuổi vị thành niên. Các trẻ này từ nhiễu loạn tâm thần rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài, khi không tự cân bằng cảm xúc được sẽ có nguy cơ hướng tới hành vi tự làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử.

- Như vậy có giải pháp nào để giúp trẻ hạn chế tối đa các tổn thương về tâm lý?

tre em 1

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương sau bão lũ - Ảnh: S.V.

- Để làm được điều này cần sự góp sức không chỉ từ gia đình, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội mà còn cả nhà trường. 

Trước tiên, về phía người lớn, mặc dù rất đau thương bởi vừa mất đi những người thân yêu, bỗng dưng trở thành không nhà cửa nhưng phải sớm ổn định lại cảm xúc của mình. Người lớn trong cuộc phải hiểu rằng mình là chỗ dựa còn lại cho con trẻ, nếu người lớn hoảng sợ thì chắc chắn sẽ tác động không tốt tới tâm lý các bé, làm trẻ bị hoảng loạn theo. Đau thương xảy ra đã xảy ra rồi, cần phải tiếp tục sống. Trẻ con không tự bảo vệ được mình, các bé cần được chăm sóc, che chở, chính vì thế những người lớn cần kiểm soát cảm xúc của mình trước mặt các bé để các bé cảm thấy an tâm.

Tiếp theo, nhà trường cần sớm dọn dẹp, mau chóng tổ chức, sắp xếp để sớm ổn định việc học hành cho trẻ. Khi được quay lại trường lớp, trẻ sẽ thoát khỏi trạng thái bị cô lập, gặp gỡ giao tiếp với bạn bè, thầy cô, công việc học tập khiến trẻ hướng mối quan tâm sang nhiều hoạt động tích cực. Đây chính là cách hiệu quả nhất để làm lành vết thương lòng, giải tỏa áp lực tâm lý đang bị kìm nén. Nhờ trường lớp, thầy cô, bạn bè, trẻ sẽ dần tìm ra cách quên đi các ký ức đau buồn vừa xảy ra.

Ngoài ra, với những trẻ đã mất đi tất cả người thân, mồ côi cha mẹ, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội có chức năng cần khẩn trương tìm mái ấm mới cho các bé. Các bé phải ổn định nơi ăn chốn ở, có người chăm sóc thì mới tính tới chuyện hồi phục tâm lý. 

Sau khi làm được những bước như kể trên, người thân trong gia đình, thầy cô cần khuyến khích, gợi mở để trẻ có cơ hội nói ra cảm xúc của bản thân về những gì vừa trải qua. Cần phải đối diện sự thật rồi tìm cách thảo luận với trẻ để biết trẻ đang nghĩ gì thì mới cùng trẻ vượt qua được nút thắt tâm lý này. Khi trò chuyện với trẻ, nhà trường cũng nên lồng ghép các bài học về kỹ năng sống đúc kết được sau đợt thiên tai thảm khốc vừa qua. Như vậy, thay vì hoảng sợ lẩn tránh, ám ảnh thì trẻ sẽ cảm thấy tự tin, an tâm hơn khi được chỉ dẫn cách làm sao thoát hiểm nếu chẳng may gặp tình huống tương tự. 

Bác sĩ Đinh Thạc lưu ý, sau thiên tai, trẻ gánh chịu tổn thương tâm lý sẽ không có hứng thú ăn uống, tinh thần uể oải, từ đó tổng trạng bị ảnh hưởng, đề kháng suy giảm, rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh để môi trường sống của trẻ được an toàn. 

Theo Phunuonline

comment Bình luận

largeer