Các thực phẩm trị sổ mũi cho bé hiệu quả

Thời tiết thay đổi rất dễ khiến trẻ mắc các căn bệnh về đường hô hấp. Trong đó, phần nhiều bé sẽ bị sổ mũi, khiến việc thở gặp khó khăn và là nguyên nhân khiến bé quấy khóc, chán ăn.
29/12/2020 12:26

Trả lời trên báo chí, bác sĩ Trần Anh Tuấn (Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) cùng với các chuyên gia tai – mũi – họng cho hay, sổ mũi là một trong những căn bệnh rất hay thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi (số trẻ ở độ tuổi này mắc bệnh chiếm 75 – 80%). Bệnh sổ mũi ở trẻ em thường xảy ra chủ yếu vào mùa lạnh, bệnh tuy không quá nguy hiểm đối nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. 

so mui

Hình minh họa.

Trên thực tế hiện nay, khi trẻ bị sổ mũi, nhiều mẹ không muốn dùng thuốc kháng sinh cho con nên đã lựa chọn các biện pháp dân gian để chữa trị. Trong đó, một số thực phẩm có mặt trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta lại chính là phương thuốc Đông y chữa sổ mũi hiệu quả.

Tỏi: Theo lương y Vũ Quốc Trung, tỏi và lá chanh đều là những thành phần quen thuộc trong bài thuốc dân gian trị cảm cúm, cảm lạnh, ho, sốt. Với trẻ nhỏ, tỏi có thể trị sổ mũi cực tốt. Trong Đông Y, tỏi có vị cay, tính ấm, thường được điều chế thành thuốc để hành khí tiêu tích và sát trùng giải độc. Vì vậy mà tỏi có khả năng ức chế và khử khuẩn, giảm sưng viêm và bảo vệ mũi khỏi sự tấn công từ vi khuẩn, virus gây bệnh, từ đó có công dụng trị sổ mũi cho trẻ rất tốt. Tuy nhiên, cần sử dụng tỏi đúng cách, không trực tiếp nhỏ nước ép tỏi vào mũi trẻ vì có thể gây ra phản ứng, khiến trẻ bị bỏng niêm mạc mũi.

Hành tây: Hành tây có khả năng điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, viêm xoang,… và các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi ở người lớn và trẻ nhỏ. Theo nghiên cứu, trong hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella. Bởi vậy trị sổ mũi bằng hành tây được rấy nhiều người tin dùng và sử dụng.

Nên bổ sung hành tây trong bữa ăn của bé hoặc có thể cho bé  ngửi tinh dầu hành tây để thuyên giảm bệnh sổ mũi.

la he

Lá hẹ giúp chữa sổ mũi ở trẻ hiệu quả.

Lá hẹ: Theo y học cổ truyền, lá hẹ có tính ấm, vị chua và cay nhẹ có tác dụng tiêu đờm, thanh nhiệt, giải độc. Đặc biệt, thành phần kháng sinh được tìm thấy trong thảo dược này giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn, virus gây viêm mũi họng, cảm cúm, qua đó làm giảm triệu chứng sổ mũi ở trẻ em. Có thể kết hợp lá hẹ với mật ong hay các nguyên liệu khác để trị sổ mũi cho bé thay vì sử dụng thuốc tây.

Tía tô: Trong Đông y, lá tía tô là một loại dược liệu có vị cây, tính ấm, quy vào các kinh Tâm, Tỳ, Phế. Tía tô có tác dụng ngăn ngừa cảm mạo, phòng chống hen suyễn, trị ho khan, ho có đờm, nghẹt mũi, sổ mũi, giảm nôn trớ ở người lớn và cả trẻ em.

Gừng: Ngoài tác dụng giữ ấm cơ thể, gừng còn giúp giảm đau, kích thích lưu thông máu, giảm viêm nhiễm ở mũi xoang, qua đó khắc phục chứng sổ mũi khó chịu cho bé. Vì thế, có thể dùng rượu gừng để tắm, ngâm chân hoặc cho trẻ uống nước gừng ấm để bệnh tình thuyên giảm.

Trên đây là một số loại thực phẩm có thể giúp bé trị sổ mũi tại nhà, tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan và phải theo dõi tình hình của bé. Nếu sử dụng các thực phẩm trên nhưng bé không khỏi thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và nhận được sự tư vấn từ các y bác sĩ.

Thanh Hương (tổng hợp)

 

comment Bình luận

largeer