Các y bác sĩ nỗ lực cứu sống bệnh nhân mắc COVID-19 nơi tuyến đầu chống dịch

Bỏ qua những nỗi nhớ nhà, khó khăn vất vả, các y bác sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nỗ lực hết sức để cứu chữa bệnh nhân mắc COVID-19 thoát cửa tử.
19/10/2021 06:30

Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chính thức nhận bệnh nhân vào ngày 11/8 trong bối cảnh số ca mắc tại TP. Hồ Chí Minh đang tăng cao với những bệnh nhân nặng và nguy kịch. 

Empty

Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM Sau 2 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 971 bệnh nhân mà phần đông trong số đó là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tính đến nay, đã có gần 600 bệnh nhân ra viện. Hiện, Trung tâm đang điều trị cho 36 trường hợp bệnh nhân, trong đó có 12 bệnh nhân thở máy và 2 bệnh nhân phải hỗ trợ HFNC. 

Những khó khăn bước đầu

TS.BS Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm gây mê ngoại khoa hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM cho biết, vào trung tuần tháng 8/2021 tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM rất phức tạp, Bộ Y tế chủ trương là thành lập các đơn vị hồi sức với mục tiêu làm giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh mắc COVID-19 tại TP.HCM.

Empty

TS.BS Lưu Quang Thùy - Phó Giám đốc Trung tâm gây mê ngoại khoa hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM 

Thực hiện chủ trương đó thì Đảng ủy Ban Giám đốc thành lập 1 đoàn vào khảo sát tại TP.HCM để xây dựng trung tâm hồi sức tích cực tại đây. Ngày 28/7, GS Trần Đình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam đã cùng đoàn khảo sát của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam đã đến khảo sát và xây dựng trung tâm hồi sức tích cực và chọn xây dựng tại xã Bình Hưng, quận Bình Chánh, TP.HCM. 

Sau 10 ngày xây dựng cấp tốc thì trung tâm đã nhận những bệnh nhân đầu tiên, đến nay sau 2 tháng hoạt động thì số bệnh nhân đã có hơn 900 bệnh nhân điều trị, số bệnh nhân tử vong có, bệnh nhân ra viện rất nhiều.

Empty

Đây là lần đầu tiên xây dựng, vận hành 1 trung tâm hồi sức tích cực và điều trị bệnh truyền nhiễm khác với chuyên ngành được đào tạo ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vì là bệnh viện ngoại khoa. Điều kiện xây dựng bệnh viện rất nhanh, thần tốc, không đòi hỏi được sự hoàn hảo vận hành một bệnh viện. Nhân viên y tế cũng chưa quen được cung cách làm việc, đồ bảo hộ rất khắc nghiệt trong quá trình làm việc tại đây. 

Để xác định được những khó khăn như vậy, phải xây dựng được kế hoạch ngay từ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để trước khi vào đây phân phòng điều trị, mục tiêu đảm bảo được chuyên môn, cách ly trong quá trình điều trị. Nếu nhân viên có vấn đề gì xảy ra, sẽ được cách ly và không ảnh hưởng gì đến quá trình hoạt động của toàn đoàn.

Empty

Vì đây là bệnh truyền nhiễm cũng là lần tiếp cận đầu tiên, xây dựng kế hoạch bằng các hình thức đào tạo, mời các chuyên gia rất nhiều kinh nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong quá trình làm việc tại TP.HCM.

Tại đây xây dựng các quy trình để vận hành trung tâm hồi sức tích cực này từ khi tiếp nhận bệnh nhân đến khi điều trị, đến khi bệnh nhân nếu có tử vong phải có quy trình. Đến ngày hôm nay có hơn 30 quy trình được thành lập để vận hành tương đối trơn tru.

Empty

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa, việc cấp cứu ngoại khoa rất nhanh, mang vào đây là tinh thần làm việc nhanh nhẹn, cấp cứu kịp thời, tính chất của ngoại khoa cũng được áp dụng trong trung tâm này.

Với những bệnh nhân nặng đều có các chuyên gia hồi sức tích cực trong tất cả các ca kíp để biết các kiến thức cơ bản về điều trị các bệnh nhân hồi sức tích cực như là thở máy, nặng, cần lọc máu,... có những vấn đề về truyền nhiễm thì phải hội chẩn, xin ý kiến các chuyên gia về hồi sức tích cực để đưa ra các phác đồ điều trị cụ thể. 

Đối với những bệnh nhân nhẹ có thể giao cho bác sĩ ngoại, bác sĩ sản có sự giám sát chặt chẽ của những người làm về hồi sức tích cực, truyền nhiễm làm sao để cho phác đồ điều trị được thực hiện đúng. Làm theo chỉ thị "2 điểm đến 1 cung đường", trong quá trình bàn giao phải hết sức cụ thể giữa các ca kíp với nhau để theo dõi bệnh nhân sát nhất và điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.

Chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19

Ths. BS Phạm Văn Phúc - Phó khoa hồi sức của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, trong điều kiện dã chiến như này với điều kiện hết sức khó khăn khi xây dựng trên nền nhà xưởng thì việc điều trị gặp cũng gặp rất nhiều khó khăn theo. Nhưng không vì thế mà chùn bước trước khó khăn, các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm việc rất quy củ, trang bị đầy đủ trang thiết bị cho trung tâm hồi sức mới. Họ rất nhiệt tình trong việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. 

Empty

Ths. BS Phạm Văn Phúc - Phó khoa hồi sức của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Khoa gây mê 1 Trung tâm gây mê ngoại khoa hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phải ép tim của 1 bệnh nhân mới khoảng 40 tuổi mắc COVID-19 để cứu sống bệnh nhân trong thời khắc quan trọng. "Khoảnh khắc ấy thật sự rất cấp bách, diễn biến dồn dập, đặc điểm của bệnh nhân COVID-19 trở bệnh rất nhanh, đặc biệt trên những bệnh trẻ diễn biến trở nặng nhanh hơn nữa. Nghĩ rằng bệnh nhân còn gia đình hậu phương ở phía sau nên tất cả các bác sĩ đều không ngần ngại cùng cả ekip nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân", BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nhớ lại.

Empty

BS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Khoa gây mê 1 Trung tâm gây mê ngoại khoa hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Cấp cứu trong vòng 15 phút thì bệnh nhân hồi tỉnh trở lại, sau đó tiên lượng rất nặng cần những điều trị phía sau. Tất cả các bác sĩ đều thở phào khi đã giúp bệnh nhân đã vượt qua được thời khắc sinh tử. Nhưng điều đáng tiếc là sau đó 1 tuần dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng bệnh nhân cũng không qua khỏi. 

Tất cả các y bác sĩ, nhân viên y tế đi chống dịch đều đã phải xác định tinh thần để thích ứng với các điều kiện khó khăn của bệnh viện dã chiến. Khi bước chân vào đây thấy rất khốc liệt, từ điều kiện ăn ở sinh hoạt nhưng đã được tạo điều kiện tối ưu, phải thích ứng vùng miền, thời tiết, đồ ăn, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn.

Empty

Thời tiết rất nóng, không được sử dụng điều hòa, các y bác sĩ, nhân viên y tế phải liên tục mang bộ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, khả năng hoạt động bị giảm sút rất nhiều, sức chịu đựng cũng bị giảm sút theo điều kiện làm việc như vậy. Bệnh nhân nặng và rất nặng nhiều trong khi nhân lực bị hạn chế rất nhiều. Có những buổi trực dù đã cố gắng hết sức nhưng họ phải chia xa bệnh nhân. "Không chỉ các y bác sĩ, mà cả nhân viên y tế, điều dưỡng rất buồn khi mà công sức của họ chăm sóc bệnh nhân bao nhiêu ngày cũng không chiến thắng được Tử thần", BS Hạnh nghẹn ngào nói.

Có những bác sĩ ngất xỉu, có những công việc khi chăm sóc bệnh nhân có nhiều cái đặc thù như hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, lăn trở mình, rời giường thì với sức lực của nhân viên y tế là nữ khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra còn cảm xúc cá nhân, người phụ nữ cũng yếu mềm hơn dễ xúc động hơn, và trong điều kiện xa gia đình, có con nhỏ, cùng với đó là gia đình rất lo lắng về tình trạng của các y bác sĩ, nhân viên y tế chống dịch.

Động lực để các y bác sĩ vượt qua được khó khăn chính là sự tin tưởng giao phó của lãnh đạo bệnh viện, giúp được cho người dân thành phố, chia lửa với ngành y tế thành phố đang gồng gành rất vất vả, niềm vui lớn nhất là hình ảnh các bệnh nhân ra viện trong niềm hân hoan được trở về với gia đình; mong muốn của các bác sĩ là cứu được nhiều bệnh nhân trong đại dịch COVID-19 trở về với cuộc sống bình thường.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Nguyễn Trang

 

comment Bình luận

largeer