Cách chăm sóc trẻ em bệnh sởi tại nhà

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ paramyxovirus gây ra. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, thường xảy ra vào mùa đông xuân. Bệnh lây qua đường hô hấp, dễ gây thành dịch.
15/01/2025 17:02

Biểu hiện

Bệnh thường gặp ở trẻ chưa được tiêm phòng sởi, hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

Giai đoạn khởi phát

– Sốt cao: sốt liên tục  ≥ 39 độ C.

– Viêm họng:

Chảy nước mắt, viêm kết mạc, mắt đỏ.

Chảy nước mũi, hắt hơi.

Ho, ho nhiều, khàn tiếng.

cham-soc-soi-2

(Ảnh minh họa)

– Dấu hiệu Koplik: xuất hiện trong ngày sốt thứ 2. Biểu hiện màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

Giai đoạn toàn phát: xuất hiện ban

– Thứ tự ban mọc: sau tai, gáy, trán, mặt, thân mình, chân.

– Đặc điểm ban: không ngứa, màu đỏ tía, hình tròn, dạng rát sẩn, khi căng da thì mất.

Giai đoạn lui bệnh

Ban nhạt màu dần rồi chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện.

Chăm sóc tại nhà

- Cách ly trẻ bị bệnh tại phòng riêng, phòng đảm bảo thoáng mát, đủ ánh sáng mặt trời, mở cửa nơi có ánh nắng mặt trời vào khung giờ 10h – 16h hàng ngày.

- Vệ sinh phòng trẻ hàng ngày, vệ sinh bề mặt bàn tủ để vật dụng chăm sóc trẻ bằng dung dịch sát khuẩn bề mặt.

- Người chăm sóc trẻ: luôn luôn đeo khẩu trang trong quá trình chăm sóc trẻ. Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi pha sữa, cho trẻ ăn, vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ và sau khi thay bỉm,…

- Theo dõi nhiệt độ của trẻ, dùng hạ sốt paracetamol khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C hoặc ≥ 38 độ C (với trẻ có tiền sử co giật) với liều từ 10-15mg/kg cách 4-6 giờ.

- Vệ sinh mắt 3-5 lần/ ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Tra thuốc mắt theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).

- Xịt vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối biển 3-5 lần/ ngày. Nếu xuất tiết nhiều dịch mũi có thể dùng dụng cụ hút mũi cầm tay để hút cho trẻ.

- Vệ sinh răng miệng, đánh tưa miệng 2-3 lần/ ngày bằng nước muối sinh lý.

- Tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm kín, tránh gió lùa.

- Không tự ý bôi các sản phẩm dưỡng da không rõ thành phần lên da trẻ.

- Tăng cường dinh dưỡng: tích cực bú mẹ với trẻ còn đang bú mẹ, cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa và uống nhiều nước. Tích cực bổ sung các thực phẩm chứa nhiều Vitamin A như: lươn, trứng, cá, sữa, các loại rau quả có màu đỏ, vàng hoặc cam,…

- Uống thuốc theo đơn và tái khám theo hẹn của bác sĩ.

Tái khám lại ngay khi:

- Trẻ li bì, bú kém, ăn kém, bỏ bú.

- Trẻ nôn nhiều, tiêu chảy phân lỏng nhiều.

- Trẻ khó thở, thở nhanh.

- Trẻ ho tăng, ho liên tục

- Trẻ sốt cao liên tục dùng hạ sốt không giảm sốt.

- Hết ban mà trẻ vẫn còn sốt.

- Trẻ co giật, hôn mê.

Phòng bệnh

Phòng bệnh chủ động bằng tiêm vaccine

– Áp dụng lịch tiêm sởi 03 mũi:

- Mũi thứ 1: Tiêm sởi đơn cho trẻ từ 9 tháng tuổi.

- Mũi thứ 2: Tiêm vaccine Sởi – Quai bị – Rubella (MMR) cho trẻ từ 12 tháng tuổi (cách mũi sởi đơn ít nhất 1 tháng).

- Mũi thứ 3: Tiêm vaccine MMR cách mũi 2 sau 3 năm hoặc lúc trẻ 4-6 tuổi.

– Đối với vùng có dịch sởi hoặc vùng có nguy cơ cao về bệnh sởi, thực hiện tiêm liều vaccine thứ nhất cho trẻ từ 6 tháng tuổi và tiêm liều tiếp theo theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng.

– Áp dụng lịch tiêm 2 mũi: trẻ từ 12 tháng – 7 tuổi:

- Mũi 1: tiêm vaccine  MMR cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

- Mũi 2: tiêm vaccine  MMR cách mũi 1 là 3 tháng.

– Thời gian tiêm các mũi sau của sởi phụ thuộc vào nước sản xuất và độ tuổi của trẻ.

Cách ly người bệnh và vệ sinh cá nhân

– Luôn luôn đeo khẩu trang trong quá trình chăm sóc trẻ, vệ sinh tay bằng xà phòng sau khi chăm sóc trẻ.

– Thời gian cách ly từ khi nghi ngờ mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.

Ths.ĐD Trần Thị Xuyến, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương

comment Bình luận

largeer