Hà Nội đề xuất hỗ trợ đổi xe máy cũ sang xe điện, đẩy mạnh giao thông xanh

Tại Hội nghị tham vấn về “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025–2030”, đại diện sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội đã đề xuất triển khai chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi xe máy cũ chạy xăng sang xe máy điện. Dự kiến từ 2026–2028 sẽ thí điểm tại một số quận, trước khi nhân rộng trên toàn thành phố sau năm 2028.
06/07/2025 07:27

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, hiện thành phố đang có khoảng 6–8 triệu xe máy lưu thông, chưa kể lượng phương tiện từ các tỉnh lân cận. Việc hỗ trợ người dân chuyển sang xe điện không chỉ giúp giảm khí thải CO₂, cải thiện chất lượng không khí, mà còn là bước đệm để tiến đến mục tiêu “ngưng cấp đăng ký xe chạy xăng tại một số quận trung tâm từ năm 2027”.

Dự thảo "Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030" tiếp tục lấy ý kiến từ các chuyên gia, sở ngành và người dân để được hoàn thiện, tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, để hướng tới những mục tiêu kể trên, cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi từ xe máy cũ sang xe điện.

Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia đặt mục tiêu rằng đến năm 2030, 100% phương tiện giao thông tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được kiểm soát khí thải và hướng đến sử dụng năng lượng sạch. Việc triển khai xe buýt, xe đạp công cộng, miễn giảm phí với học sinh, sinh viên cũng là một phần quan trọng trong gói giải pháp này.

Tiếp đó, từ năm 2026-2028, cả Hà Nội và TP.HCM sẽ thí điểm chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ sang xe điện, tiến tới mở rộng từ sau năm 2028. Trong đó, Hà Nội được giao xây dựng đề án giới hạn đăng ký xe máy mới tại một số quận trung tâm và tiến tới ngừng cấp đăng ký xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Hà Nội đề xuất có các cơ chế hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy cũ lên xe điện để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.Hà Nội đề xuất có các cơ chế hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy cũ lên xe điện để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.

Ở giai đoạn hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ ngành về Kế hoạch Quốc gia hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030. Trong đó đặt mục tiêu 100% phương tiện tham gia giao thông (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tại khu vực Hà Nội và TP.HCM được quản lý, kiểm soát về khí thải và từng bước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Dự thảo "Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030" đề xuất giao UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM thực hiện nhiểm vụ quản lý phát thải từ hoạt động giao thông, tăng cường hệ thống giao thông công cộng và chuyển đổi sang giao thông xanh. Sẽ có những chính sách ưu đãi được thí điểm, xã hội hóa trong việc chuyển đổi từ xe máy cũ sang xe máy mới, hỗ trợ miễn giảm phí cho học sinh, sinh viên sử dụng giao thông công cộng, đồng thời phát triển hệ thống dịch vụ xe đạp công cộng…

Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là, trong năm 2024, Hà Nội chỉ có 22% số ngày có chất lượng không khí tốt. Có đợt chỉ số VN_AQI lên tới 246, mức "rất xấu", nguy hiểm đến sức khỏe. Nguồn gây ô nhiễm được điểm danh gồm: giao thông đường bộ (38%), xây dựng (17%), sản xuất công nghiệp (29%), đốt rác, phụ phẩm nông nghiệp, bếp than... Trong tình thế đó, theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cần phải bổ sung vào kế hoạch số liệu định lượng ô nhiễm không khí cụ thể, làm rõ nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là gì (đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), mức giảm ô nhiễm không khí cần quy định cụ thể...

Đồng quan điểm với PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, TS Hoàng Dương Tùng Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cũng cho rằng, cần bổ sung các số liệu cụ thể để phân tích nguyên nhân ô nhiễm, các chính sách cụ thể và hoàn thiện các chính sách này phù hợp với thực tế cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia làm tốt, đồng thời chú ý tính đến việc thực hiện kế hoạch này dài hơi hơn (tầm nhìn đến năm 2035).

 Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận