Cách chữa táo bón cho trẻ nhỏ không cần dùng thuốc

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần nhiều thời gian để tiêu hóa thức ăn hơn người lớn, nên việc trẻ không đại tiện mỗi ngày hoặc chỉ đi ngoài vài lần/tuần là chuyện bình thường. Nhưng do hệ tiêu hóa còn non nớt, các bé dễ bị táo bón. Nếu nhận diện đúng nguyên nhân, phụ huynh có thể dùng các liệu pháp tự nhiên để chữa táo bón cho con mà không cần đến thuốc.
29/12/2022 11:38

Nguyên nhân và cách nhận biết táo bón ở trẻ sơ sinh

Theo các bác sĩ nhi khoa, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón - bao gồm uống không đủ sữa hoặc nước, do ăn loại thực phẩm nào đó hoặc loại sữa bé đang uống không phù hợp, bé đang dùng thuốc chữa bệnh hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng và độ tuổi, dấu hiệu táo bón ở từng bé cũng khác nhau. Chẳng hạn, trẻ bú mẹ “xì xoẹt” thường xuyên do sữa mẹ dễ tiêu hóa. Nhưng khi được 3-6 tuần tuổi, bé có thể chỉ có một lần đi phân mềm và nhiều mỗi tuần hoặc ít hơn, dù vẫn khỏe mạnh. Trong khi đó, trẻ bú sữa công thức có xu hướng bị táo bón nhiều hơn. Khi bước vào tuổi ăn dặm, các bé nhìn chung dễ bị táo bón do bắt đầu tiêu thụ thức ăn rắn hoặc uống thêm sữa bò.

Cha mẹ và những người chăm sóc có thể nhận biết trẻ đang bị táo bón thông qua một số dấu hiệu như chậm đi ngoài, ít đòi ăn, bụng căng cứng, trẻ rặn nhiều hoặc khóc la, đi phân đặc và cứng hoặc có lẫn máu. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những liệu pháp tự nhiên giúp đẩy lùi táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Tập thể dục, massage bụng cho trẻ: Giống như người lớn, vận động thể chất có thể giúp kích thích nhu động ruột và cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ. Ở các bé chưa biết bò trườn hoặc đi, bố mẹ hoặc người chăm sóc có thể giúp bé thực hiện một số bài tập kích thích nhu động ruột và giảm táo bón – ví dụ như bài tập “đạp xe”. Để thực hiện, hãy đặt trẻ nằm ngửa và dùng tay luân phiên kéo co và duỗi hai chân trẻ để mô phỏng động tác đi xe đạp trong 10-15 phút.

Đối với các bé vừa tròn tháng, các mẹ có thể dùng các đầu ngón tay xoa bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ. Động tác massage dễ thực hiện này có công dụng giảm cảm giác khó chịu, đau và căng bụng cho bé. Khi thực hiện, mẹ có thể xoa một ít dầu mù tạt hoặc dầu dừa để tăng hiệu quả đẩy lùi táo bón.

Tắm nước ấm: Tắm và xoa bóp trong làn nước ấm giúp trẻ thư giãn và giảm căng cứng cơ bụng, từ đó giảm khó chịu và đẩy lùi táo bón hiệu quả.

Thay đổi chế độ ăn uống: Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, người mẹ cần loại bỏ một số thực phẩm ra khỏi chế độ ăn, như sữa bò hoặc thực phẩm có tính nóng. Đối với trẻ uống sữa công thức, phụ huynh có thể cân nhắc đổi sang loại sữa bột khác nhưng nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để có lựa chọn phù hợp. Còn với trẻ đã dùng thức ăn rắn, phụ huynh cần bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ cho con như ngũ cốc, rau củ và trái cây (đặc biệt là táo, lê, đào và bông cải xanh).

Bổ sung nước, nước ép trái cây: Thường thì trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống thêm nước, do sữa mẹ hoặc sữa công thức đã cung cấp đủ nước. Nhưng với trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên bị táo bón, phụ huynh có thể cho trẻ uống thêm một ít nước hoặc thỉnh thoảng dùng thêm một số loại nước ép trái cây có công dụng bổ trợ tiêu hóa - nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ của bé. Ví dụ, nước ép táo, mận hoặc cà chua có thể dùng chữa táo bón cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Dù vậy, các chuyên gia tiêu hóa khuyến cáo chỉ nên cho trẻ nhỏ dùng 60-118ml nước ép trái cây, do lượng đường trong trái cây thường khó tiêu hóa.

Lưu ý, nếu tình trạng táo bón vẫn không cải thiện sau khi áp dụng các liệu pháp tại gia và trẻ vẫn đi phân lẫn máu, tâm trạng cáu gắt và có biểu hiện la khóc do đau bụng, tốt nhất là phụ huynh sớm đưa trẻ đến bác sĩ nhi để được điều trị.

Theo TheHealthSite

comment Bình luận

largeer