Cách luyện tay không run bằng những mẹo đơn giản

Run tay làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc và nhất là quá trình giao tiếp. Nó có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tự ti, và thất bại trong đàm phán. Vậy có cách luyện tay không run hiệu quả nào có thể giúp ích cho người bị chứng run tay?
31/01/2023 13:06

Xác định nguyên nhân run tay

Run tay là một triệu chứng do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể tạm thời chia thành 3 nhóm nguyên nhân lớn:

- Không phải trạng thái bệnh lý thực sự: quá lạnh, quá nóng, đói, sợ hãi, căng thẳng, say rượu, tác dụng phụ của một số thuốc…

- Do các bệnh lý gây ra: Bệnh Parkinson, đột quỵ não, chấn thương sọ não, suy gan, suy thận, loạn trương lực, bệnh cường giáp, đái tháo đường.

Cách luyện tay không run bằng những mẹo đơn giản. Ảnh minh họa

Cách luyện tay không run bằng những mẹo đơn giản. Ảnh minh họa

- Run vô căn: Tỷ lệ mắc khá cao trong khi chưa rõ ràng về cơ chế và nguyên nhân cụ thể. Thường run hai tay nhất là tay thuận. Có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi lẫn khi vận động.

Để biết chính xác nguyên nhân gây run tay bạn cần thăm khám, làm các xét nghiệm và nhận sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Khi tình trạng run tay xảy ra với tần suất thường xuyên, mức độ tăng dần, hoặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn thì chính là lúc bạn cần gặp bác sĩ.

Các mẹo hay để luyện tay không run

Chính vì nguyên nhân gây run tay rất đa dạng nên với mỗi nguyên nhân sẽ có các hướng điều trị khác nhau. Tuy nhiên những cách luyện tay không run sau đây có thể áp dụng trong nhiều trường hợp.

Luyện tâm lý

Một trong các nguyên nhân gây run tay phổ biến ở người trẻ là do tâm lý. Run tay xuất hiện khi căng thẳng, lo lắng, hồi hộp… Trạng thái tâm lý được cho là tác động lên hệ thần kinh thực vật dẫn đến run tay kèm theo nhịp tim tăng nhanh, ra mồ hôi lòng bàn tay chân, thậm chí có thể bị khó thở.

Mấu chốt của luyện tâm lý là để bạn có một tinh thần thoải mái, giảm thiểu đến mức tối đa những tác động của ngoại cảnh tới tâm trạng của bạn. Sau đây là một số cách luyện tâm lý hiệu quả:

- Đọc sách; nghỉ ngơi; nghe nhạc; chơi trò chơi; nói chuyện với người thân, bạn bè; du lịch; xem phim hài;…

- Ngủ đủ giấc để có được trạng thái năng lượng tốt nhất cho ngày hôm sau.

- Chuẩn đầy đủ tài liệu, kiến thức trước những cuộc thi, buổi thuyết trình hoặc gặp gỡ đối tác. Bạn cũng có thể luyện phát biểu hoặc thuyết trình trước gương vào ngày hôm trước. Hãy tin tưởng vào bản thân và đồng nghiệp của ban.

Nếu các vấn đề tâm lý bạn không thể tự giải quyết và khống chế được cảm xúc hãy tìm đến các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ.

Luyện tay

Các bài tập luyện tay giúp người bệnh gia tăng lực của các nhóm cơ vùng tay, lực cổ tay, tăng cường lưu thông máu, đồng thời tăng mức độ linh hoạt dẻo dai của đôi tay. Đối với người run tay việc tập các động tác đối kháng lực rất quan trọng. Sau đây là một vài cách luyện tay không run cho người bệnh.

Các mẹo hay để luyện tay không run. Ảnh minh họa

Các mẹo hay để luyện tay không run. Ảnh minh họa

Bài tập 8 động tác cổ tay:

Động tác 1: Xoa hai bàn tay vào nhau để làm nóng chúng.

Động tác 2: Đan 2 bàn tay vào nhau và dùng lực kéo tách chúng ra

Động tác 3: Chụm các đầu ngón tay đối xứng hai bên. Dùng lực nhẹ nhàng của các đầu ngón tay đẩy qua đẩy lại hai bên.

Động tác 4: Đưa hai tay ra trước. Đặt 2 tay song song, lòng bàn tay hướng vào nhau. Giữ nguyên cánh tay, cẳng tay, vẫy cổ tay 2 bên theo chiều cùng hướng vào trong, cùng hướng ra ngoài.

Động tác 5: Đưa hai tay ra trước. Đặt 2 tay song song, lòng bàn tay hướng vào nhau. Giữ nguyên cánh tay, cẳng tay, vẫy cổ tay 2 bên theo chiều cùng sang trái, cùng sang phải.

Động tác 6: Đưa hai tay ra trước. Đặt 2 tay song song, lòng bàn tay hướng xuống dưới. Giữ nguyên cánh tay, cẳng tay, vẫy cổ tay theo chiều trên xuống.

Động tác 7: Đưa hai tay ra trước. Đặt 2 tay song song, lòng bàn tay hướng lên trên. Giữ nguyên cánh tay, cẳng tay, vẫy cổ tay theo chiều trên xuống.

Động tác 8: Xoa hai lòng bàn tay vào nhau để thư giãn

Mỗi động tác tập 10 lần. Hết 10 chuyển động tác. Hết động tác 8 động tác có thể ngâm tay vào nước ấm. Có thể thêm 2 thìa nước cốt gừng tươi vào 1 lít nước ấm và ngâm tay trong khoảng 5 phút để thư giãn và tăng lưu thông máu. Nếu người tăng huyết áp thì có thể dùng 1 thìa nước cốt gừng hoặc không cho gừng.

Bài tập nâng tạ

Có 2 bài tập nâng tạ:

- Nâng tạ bằng lực của cẳng tay. Ép phần cánh tay vào gần thân người. Tay cầm tạ. giữ nguyên phần cánh tay. Dùng lực cẳng tay và cổ tay nâng tạ lên.

- Nâng tạ bằng lực cổ tay. Đặt cánh tay sát thân người, cẳng tay đưa ra trước, vuông góc với cánh tay. Bàn tay cầm tạ. Dùng tay còn lại đỡ cẳng tay sao cho cẳng tay không di chuyển. Nâng tạ lên bằng lực cổ tay.

- Tạ có thể có trọng lượng từ 500g đến 1,5kg tùy vào khả năng của mỗi người. Nên tăng từ từ trọng lượng của tạ. Thông thường mỗi lần tập khoảng 1- 3 phút. Mỗi buổi tập từ 1-3 lần.

Bài tập bóp bóng

Loại bóng sử dụng trong các bài tập này là bóng cao su, có độ đàn hồi. Kích thước bóng vừa tầm nắm của bàn tay.

Dùng lực của các ngón tay bóp bóng trong lòng bàn tay. Mỗi lần bóp bóng giữ 5 giây sau đó thả ra. Tập đi tập lại khoảng 10 lần sau đó nghỉ ngơi rồi tập tiếp. Mỗi ngày có thể tập bài tập này khi rảnh.

Bài tập xòe nắm các ngón tay

Nắm tay thật chặt, xòe tay hết cỡ. Làm đi làm lại như thế khoảng 10 lần. Mỗi ngày có thể tập nhiều lần.

Bài tập vê ngón tay

Dùng ngón cái và ngón trỏ của bàn tay này để vê dọc từng ngón tay của bàn tay còn lại. Luân phiên vê hết 10 ngón tay. Mỗi lần làm khoảng 5 phút. Ngày có thể làm nhiều lần.

Bài vẩy tay Dịch cân kinh

Dịch cân kinh có lịch sử khoảng 1100 năm từ sư tổ Đạt Ma của chùa Thiếu Lâm – Trung Quốc. Vẩy tay là một trong các bài luyện của Dịch cân kinh. Vẩy tay Dịch cân kinh có tác dụng cải thiện tuần hoàn, điều khí của cơ thể. Giống như ý nghĩa tên gọi, Dịch cân kinh – 易筋經 – cuốn kinh nói về cách dịch chuyển, vận động gân. Chính vì vậy đây là một trong các bài luyện khí, luyện gân dùng nhiều ở những người theo võ học, khí công dưỡng sinh. Phản xạ run tay có thể bắt nguồn từ tâm lý hoặc bệnh lý khiến bạn không thể làm chủ được các vận động tự phát. Dịch cân kinh giúp thư giãn, làm chủ các vận động của gân cốt.

Tập yoga, thiền

Mặc dù không hoàn toàn tác động lên vận động tự phát của tay nhưng yoga, thiền giúp cơ thể được thư giãn, cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp kiểm soát cảm xúc nhờ đó có thể gián tiếp hỗ trợ cải thiện tình trạng run tay.

Thời gian và cường độ tập luyện theo từng mức độ bệnh run tay

Thông thường nên bắt đầu bằng cách lặp lại 5 lần mỗi bài tập, 3 lần một ngày. Thêm 1 hoặc 2 lần lặp lại sau mỗi vài ngày miễn là bạn cảm thấy thoải mái.

Ngừng các bài tập này nếu chúng làm cho các triệu chứng của bạn tồi tệ hơn hoặc gây ra cơn đau mới.

Những lưu ý giúp việc điều trị run tay mau có kết quả

Tập luyện là hoạt động tiêu hao năng lượng khá nhiều cho dù là bạn ngồi 1 chỗ để tập luyện. Vì vậy, bạn hãy lưu ý những điều sau đây để đảm bảo việc tập luyện đạt được hiệu quả tốt nhất:

- Nên ăn nhẹ trước khi tập.

- Uống đủ nước.

- Không tập quá gắng sức.

- Nên tập vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.

Điều trị run tay là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Không nên vội vàng và quá ép buộc bản thân. Bên cạnh việc tập các cách luyện tay không run vẫn cần tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn và y lệnh của bác sĩ điều trị. Uống thuốc đúng giờ. Tái khám định kỳ hoặc ngay khi có bất thường.

Theo Thầy thuốc Việt Nam

comment Bình luận

largeer