Cách phòng bệnh cho trẻ trong điều kiện thời tiết nồm ẩm kéo dài

Theo quy luật, hiện tượng thời tiết nồm ẩm sẽ diễn ra phổ biến ở miền Bắc từ tháng 2-4 hàng năm. Độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ.
21/02/2023 08:52

Những căn bệnh trẻ em dễ mắc khi thời tiết nồm ẩm kéo dài

Trời “nồm ẩm” là hiện tượng thời tiết đọng sương trên bề mặt tường, nền nhà, đồ vật, các bề mặt cứng như gỗ, đá,... xảy ra khi độ ẩm không khí lên cao (độ ẩm 90% trở lên sẽ có hiện tượng nồm), hơi nước trong không khí rất cao nên nước thường bị ngưng tụ và đọng lại trên bề mặt mọi vật xung quanh chúng ta, đây là một hiện tượng đặc trưng của phía đông Bắc Bộ, thường xảy ra vào cuối mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4) gây bất tiện cho sinh hoạt và ảnh hưởng khá lớn đển sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em do sức đề kháng kém rất dễ ốm, đặc biệt là những trẻ có cơ địa dị ứng với thời tiết.

20210504_020540_815972_tre-bi-om.max-1800x1800

(Ảnh minh họa)

Thời tiết thay đổi, nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển, tăng lên, dễ lây lan qua đường hô hấp. Các bệnh hay gặp ở trẻ em là bệnh đường hô hấp như sởi, rubella, thủy đậu, hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, rota và bệnh da như viêm da, bệnh đau mắt.

Cách phòng bệnh cho trẻ trong điều kiện thời tiết nồm ẩm kéo dài

Những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường là đối tượng dễ mắc bệnh. Khi độ ẩm cao, mồ hôi không bốc lên được mà vẫn bám vào da của trẻ, bít lỗ chân lông làm cho trẻ càng thêm mệt mỏi, dễ cảm cúm.

Do vậy, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, để phòng chống bệnh, các gia đình nên:

Giữ vệ sinh môi trường sống: Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá trong nhà. Bố trí cửa sổ lấy được nhiều ánh sáng mặt trời, đặc biệt là ánh sáng ban mai.

Làm khô không gian sống: Bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ chế độ khô, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn. Không dùng quạt để quạt khi độ ẩm cao. Không mở cửa nhà, cửa sổ khi thời tiết nồm ẩm.

Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân của bé: Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là đồ trước khi mặc, tránh các nấm mốc, các bệnh ngoài da. Áo quần của trẻ nên dung loại chất liệu cotton, thoáng và thay thường xuyên khi quần áo bị thấm mồ hôi hoặc lấy khăn khô mềm lau da cho trẻ. Vệ sinh mũi sạch sẽ, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để tránh mầm bệnh lưu lại trong cơ thể.

Chế độ ăn và vận động: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đủ chất, nếu trẻ nhỏ thì nên cho bú sữa mẹ. Cho trẻ vận động cơ thể (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Khi trời nắng lên cần đưa trẻ ra nới có ánh nắng mặt trời để sưởi ấm nhằm tăng nồng độ vitamin D trong cơ thể để chống còi xương, suy giảm miễn dịch.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer