Cảm lạnh và thay đổi thói quen để ngăn ngừa cảm lạnh

Cảm lạnh là từ dân gian nói về biểu hiện sau khi cơ thể bị nhiễm lạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển. Bệnh có triệu chứng điển hình là ho, sổ mũi, kém ăn, viêm họng. Bởi có sự tương đồng ở một số triệu chứng, cảm lạnh thường bị nhầm lẫn với cảm cúm. Tuy nhiên, đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân gây bệnh, mức độ và phương pháp điều trị.
23/01/2021 14:34

Cảm lạnh là bệnh thường gặp với nguyên nhân chủ yếu là do virus. Đặc biệt chúng ta dễ bị cảm lạnh vào mùa đông hơn do nhiệt độ bên trong cơ thể giảm dẫn đến hệ thống miễn dịch suy giảm và làm cho virus dễ xâm nhập và gây bệnh. Do đó, việc phòng bệnh là rất quan trọng. Sau đây là một biện pháp phòng bệnh.

3

1.    Duy trì vệ sinh cơ bản, ngủ đủ giấc

Hãy rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc ở nơi công cộng hoặc những nơi đông người. Ngoài ra, cần ngủ đủ giấc vào mùa đông do giấc ngủ có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của chúng ta. Theo nghiên cứu nếu ngủ đủ giấc hoặc ngủ nhiều hơn có thể giúp phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Những người có giấc ngủ đủ sẽ tăng khả năng miễn dịch phòng chống bệnh cảm lạnh hơn những người chỉ ngủ ít hơn 8 tiếng.

2.    Không tiếp xúc trực tiếp với vật dụng của người nhiễm bệnh

Vì virus có thể lây lan trong không khí nên nó có thể có ở trên các bề mặt vật dụng xung quanh người nhiễm bệnh dưới dạng giọt nước nhầy nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Virus có thể vô tình được lây truyền qua việc chạm tay lên các bề mặt đó và sau khi chạm tay lên các bộ phận trên mặt như mũi và miệng của người nhiễm bệnh.

3.    Không hút thuốc lá

Khói thuốc lá gây ra sự kích ứng trong đường thở khiến cho con người dễ bị virus rhino tấn công cũng như dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác do virus.

4.    Tăng cường vitamin C

Uống một cốc nước cam mỗi ngày là cách bổ sung vitamin C hiệu quả giúp phòng và chữa cảm lạnh.

5.    Giảm stress

Khi tâm trí bạn bị căng thẳng với nhiều vấn đề thì cơ thể bạn còn phải tập trung giải quyết những căng thẳng đó. Do vậy, hệ miễn dịch bị yếu đi khiến cơ thể dễ bị virus tấn công. Ngủ đủ giấc và thư giãn là cách tốt nhất để bạn phòng chống cảm lạnh.

6.    Vận động thường xuyên

Để ngăn ngừa cảm lạnh, hãy giữ thói quen vận động thường xuyên vì những hoạt động thể chất đều đặn có thể sẽ làm gia tăng lượng tế bào của hệ miễn dịch, giúp chống lại nhiều loại vi khuẩn và virus có hại cho sức khỏe đấy. Tuy nhiên, việc vận động quá mức và lặp đi lặp lại có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, vì vậy giữ thói quen vận động vừa phải và phù hợp với cơ thể của mình là điều vô cùng quan trọng.

7.    Uống đủ nước

Hãy uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể thải được độc tố.

8.    Súc miệng

Virus cảm lạnh thường đi qua đường hô hấp. Vì vậy, nên súc miệng bằng nước muối vào buổi sáng và buổi tối, để phòng tránh bệnh cảm lạnh.

9.    Thêm tỏi vào thực đơn ăn uống

Loại thực phẩm tuyệt vời này chứa rất nhiều tinh dầu làm ức chế sự tăng trưởng và phát triển của vi khuẩn, vì vậy mà chúng có thể bảo vệ cơ thể khỏi một số loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Tỏi còn kích thích sự phát triển của các loại vi khuẩn có lợi trong đường ruột và giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn. 

Nếu cảm lạnh kéo dài với các triệu chứng không đỡ hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường hoặc gặp một số trường hợp sau  cần đến bệnh viện ngay khi có các biểu hiện như: đau ngực, đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, liên tục nôn. Với trẻ nhỏ cần lưu ý khi trẻ khó thở hoặc thở nhanh, da chuyển màu hơi tái, quấy khóc, khó chịu, sốt kèm theo nổi ban thì bạn nên đưa trẻ đến gặp ngay bác sĩ.

Dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân

comment Bình luận

largeer