Cần cấp thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam

Dưới đây là 4 vấn đề cấp thiết để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam:
21/11/2024 14:21

1. Tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam đã và đang gây ra những gánh nặng lớn về bệnh tật và tử vong, đe dọa sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam

Sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản).

Mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. [1] Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, nghĩa là tử vong sớm. Sức khỏe kém và tử vong sớm do thuốc lá ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng lao động của Việt Nam. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu trải nghiệm những tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

dehuuday-1732097998027776113631-0-0-498-797-crop-17320980072421251968561

(Ảnh: Thanh niên)

Việc sử dụng thuốc lá cũng đang gây thiệt hại lớn về kinh tế: Nghiên cứu mới đây cho thấy chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. Các chi phí bao gồm 16,4 nghìn tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5,9 nghìn tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85,8 nghìn tỷ đồng do tử vong sớm. [2] Ngoài ra cũng phải kể đến 49 nghìn tỷ đồng người dân bỏ ra để mua thuốc lá hút hàng năm [3].

2. Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, tuy nhiên thuế, giá thuốc lá của Việt Nam hiện đang ở mức thấp, tác động của chính sách thuế đến giảm tiêu dùng còn hạn chế

Ngân hàng thế giới và Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những chính sách quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc (phần còn lại là tác động từ các biện pháp khác bao gồm thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá)1. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi[4].

Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện ở mức thấp so với các quốc gia thế giới và mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38.8% theo báo cáo của WHO năm 2023. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 81.3%, Indonesia 63.5%, Singapore 67.5%, Malaysia 51.6%), và còn cách xa khuyến cáo của WHO và Ngân hàng Thế giới về tỷ trọng thuế ở mức 75% giá bán lẻ thuốc lá.[5] Chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng ở mức thấp.

Theo báo cáo của WHO, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.[6] Điều tra về giá bán lẻ thuốc lá do Trường Đại học Y tế công cộng và Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện năm 2023[7] cho thấy trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.

Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá, tuy nhiên tác động của mức tăng thuế với giá thuốc lá và tỷ lệ sử dụng thuốc lá là không đáng kể do vậy không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc. Từ năm 2008 đến năm 2019 (11 năm), Việt Nam có 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá: 2008 tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; 2016 tăng từ 65% lên 70%; và 2019 tăng từ 70% lên 75%. Nhưng với mức tăng thuế suất thấp (5% - 10% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế tương đối dài nên mức tăng giá do tăng thuế là không đáng kể. Theo điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm từ 45,3% năm 2015 xuống còn 41,1% năm 2021, nhưng mức giảm này vẫn còn khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020.

Thêm vào đó, tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm vượt xa mức tăng giá thuốc lá đã làm cho sức mua thuốc lá ngày càng tăng. Theo phân tích của WHO dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến 2022, thu nhập đầu người tăng 203% (từ 31.5 triệu VNĐ lên 95.6 triệu VNĐ) trong khi giá thuốc lá (nhãn hiệu phổ biến nhất, Vinataba) chỉ tăng 56% (từ 14.000 VNĐ lên 21.900 VNĐ/bao).[8]

3. Kinh nghiệm quốc tế về cải cách thuế thuốc lá thành công

Phillipines: Philippines đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc giảm được 30% tỷ lệ hút thuốc và tăng thu thuế hơn 400% sau cải cách thuế thuốc lá. Năm 2012, Phillipines bắt đầu tiến trình cải cách thuế thuốc lá bằng cách hợp nhất 4 bậc thuế tiêu thụ đặc biệt thành một mức duy nhất vào năm 2017, sau đó tiếp tục tăng thuế thêm 5 peso mỗi bao thuốc lá mỗi năm, đạt mức 60 peso (tương đương 1 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2023. Cải cách này đã nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá ở phân khúc cao cấp lên 110% và ở phân khúc trung bình lên hơn 700% so với năm 2012. Nhờ đó, tỷ lệ hút thuốc tại Philippines đã giảm mạnh từ 27% năm 2009 xuống còn 19,5% năm 2021, tương đương mức giảm 30%. Đồng thời, doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ khoảng 680 triệu USD năm 2012 lên 2,9 tỷ USD năm 2022. Cải cách thuế thuốc lá ở Philippines là một minh chứng rõ ràng cho một chính sách “cùng thắng” – vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa gia tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia.[9]

Thái lan: Từ 1993-2017, chính Phủ Thái Lan đã tăng thuế TTĐB với thuốc lá 11 lần, trung bình khoảng 2 năm tăng một lần. Kết quả là thuế thuốc lá đã tăng từ 55% đến 90% giá bán buôn đã có thuế (tương đương mức tăng từ 120% giá xuất xưởng lên thành 693% giá xuất xưởng nếu tính theo cách tính thuế của Việt Nam). Năm 2017, Thái Lan tiếp tục cải cách thuế thuốc lá, chuyển đổi từ hệ thống thuế tỷ lệ sang hệ thống thuế hỗn hợp với các mức thuế suất là: 20% giá bán lẻ (đối với thuốc lá 60 THB / bao) cộng thêm 1,2 THB /điếu. Kết quả, thu ngân sách tăng hơn gấp 4 lần (từ 500 triệu USD năm 1993 lên gần 2,3 tỷ USD năm 2017), tỷ lệ hút thuốc (chung cả nam và nữ) trên toàn quốc giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 19,91% (năm 2017), trong khi sản lượng thuốc lá không thay đổi nhiều, dao động quanh con số 2 tỷ bao mỗi năm. [10]

Kinh nghiệm cải cách thuế thuốc lá ở Thái Lan và Phillippnes đã cho thấy, áp thuế ở mức cao và tăng thuế thuốc lá đều đặn đã giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng, và giúp tăng doanh số thu thuế từ thuốc lá.

4. Khuyến nghị về thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam tuy có giảm vẫn còn ở mức cao cao, gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra ảnh hưởng đến các nỗ lực trong cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe.

Trong bối cảnh đó, tăng thuế TTĐB ở mức cao đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Tăng thuế thuốc lá ở mức cao đủ để giảm tiêu dùng được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội.

Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Việc bổ sung thuế tuyệt đối trong cơ cấu thuế TTĐB phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và xu hướng quốc tế. Hướng dẫn thực hiện Điều 6 Công ước Khung của tổ chức Y tế Thế giới nêu rõ: “Các Bên cần xem xét việc thực hiện hệ thống thuế TTĐB tuyệt đối hoặc hỗn hợp, với quy định mức giá tối thiểu cho các sản phẩm thuốc lá, bởi những hệ thống thuế này có ưu điểm vượt trội so với hệ thống thuế theo tỷ lệ phần trăm thuần túy.”. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, số lượng các quốc gia áp dụng thuế tỷ lệ đang ngày càng giảm xuống (từ 45 quốc gia năm 2010 xuống còn 34 quốc gia năm 2022), và xu hướng chuyển đổi sang hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp (đánh cả thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối) đang ngày càng tăng lên (trong giai đoạn từ 2010-2022, số quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đã tăng từ 51 lên 64 quốc gia; số quốc gia áp dụng thuế tuyệt đối cũng tăng từ 59 lên 70 quốc gia). [11] Tại Khu vực Đông Nam Á, có 6 quốc gia hiện đang áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar), 2 quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp (Lào, Thái Lan) và chỉ có duy nhất 2 quốc gia còn đang áp dụng thuế theo tỷ lệ bao gồm Việt Nam và Campuchia. [12]

Về mức thuế, để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Phương án khuyến nghị cụ thể  như sau:

Khuyến nghị thuế TTĐB đối với thuốc lá

Năm

Thuế TTĐB (VND/gói)

Thuế tỷ lệ (% giá bán của nhà sản xuất, nhập khẩu)

2026

5.000

75%

2027

7.500

75%

2028

10.000

75%

2029

12.500

75%

2030

15.000

75%

Phương án khuyến nghị này của Bộ Y tế và WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Với phương án này, cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, với mức giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Phương án này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.

[1] Viet Nam Health Economics Association, Health costs of tobacco use: updated estimates for Viet Nam. 2023

[2] Bales S. Chi phí y tế do sử dụng thuốc lá: ước tính cập nhật cho Việt Nam. Hà Nội: VHEA, tháng 6 năm 2023.

[3] Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế. Ước tính từ tổng tiêu thụ thuốc lá năm 2020.

[4] Bộ Y tế, WHO, HealthBridge, Hỏi đáp về thuế thuốc lá tại Việt Nam, 2018.

[5] WHO, Report on the global tobacco epidemic 2023

[6] WHO, Report on the global tobacco epidemic 2021

[7]  Trường Đại học Y tế Công Cộng, HealthBridge (2024). Báo cáo Điều tra giá bán lẻ thuốc lá điếu ở Việt Nam năm 2023.

[8] Báo cáo của WHO về nạn dịch thuốc lá toàn cầu, 2021

[9] WHO

[10] Tan YL. and Dorotheo U. (2018). The Tobacco Control Atlas: ASEAN Region, Fourth Edition, September 2018. Southeast Asia Tobacco Control Alliance (SEATCA), Bangkok. Thailand.

[11] WHO. Report on the global tobacco epidemic 2023.

[12] SEATCA. Implementation of WHO Framework Convention on Tobacco Control Article 6 in ASEAN Countries. 2021

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer