Cần hành động đồng bộ để phá vỡ “vòng lặp” tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang âm thầm diễn ra tại nhiều vùng dân tộc thiểu số, để lại hệ lụy dai dẳng cho sức khỏe, giáo dục và tương lai của thế hệ trẻ. Các chuyên gia nhận định, để phá vỡ “vòng lặp” này, không thể chỉ trông chờ vào tuyên truyền đơn lẻ, mà cần một chiến lược can thiệp tổng thể, đồng bộ và mang tính liên ngành.
20/05/2025 14:10
Can-hanh-dong-dong-bo-de-pha-vo-vong-lap-tao-hon-o-vung-dan-toc-thieu-so-1

Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Tiếp cận liên nành trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số - Vì tương lai của trẻ em”

Ngày 20/5, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam (TP. Thủ Đức, TP.HCM) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Tiếp cận liên nành trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số - Vì tương lai của trẻ em”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, nhấn mạnh: “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hai hiện tượng xã hội nghiêm trọng, tồn tại dai dẳng trong nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số, quyền trẻ em, sự phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới”.

Theo bà Hương, những hủ tục này không chỉ khiến trẻ em gái phải bỏ học, mất đi cơ hội phát triển mà còn để lại hệ lụy lâu dài về sức khỏe sinh sản, gia tăng tỷ lệ khuyết tật, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, kéo theo vòng xoáy nghèo đói và tái sản sinh bất bình đẳng giữa các thế hệ.

Dù đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là trong khuôn khổ Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”, nhưng thực tế cho thấy mục tiêu giảm 2–3 điểm phần trăm/năm vẫn chưa đạt ở nhiều địa phương. Điều này cho thấy, không thể tiếp cận vấn đề bằng những giải pháp đơn ngành hay tuyên truyền đơn lẻ. Một chiến lược can thiệp tổng thể, liên ngành và bền vững là điều cấp thiết.

Khi trẻ em gái bị tước quyền lựa chọn tương lai

Các tham luận tại hội thảo chỉ ra rằng, dưới góc nhìn quyền trẻ em và phát triển bền vững, tảo hôn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là sự tước đoạt cơ hội được học tập, bảo vệ và phát triển toàn diện – đặc biệt với trẻ em gái dân tộc thiểu số, vốn là nhóm dễ bị tổn thương.

Cần hành động đồng bộ để phá vỡ “vòng lặp” tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số

Cần hành động đồng bộ để phá vỡ “vòng lặp” tảo hôn ở vùng dân tộc thiểu số

Hiện tượng này vẫn phổ biến tại các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Trong khi đó, hôn nhân cận huyết thống tuy ít gặp hơn nhưng vẫn tồn tại ở những cộng đồng biệt lập, nơi người dân thiếu kiến thức về di truyền học. Hệ quả là con cái sinh ra dễ mắc bệnh bẩm sinh, khuyết tật, làm suy giảm chất lượng dân số.

Ngoài ra, nhiều khó khăn vẫn còn tồn tại: rào cản văn hóa, nhận thức cộng đồng hạn chế, năng lực cán bộ cơ sở yếu, thiếu các mô hình thay thế để hỗ trợ thanh thiếu niên trưởng thành an toàn và tự chủ.

Bên cạnh đó, các bài viết trong hội thảo đề xuất xây dựng mô hình can thiệp liên ngành, huy động sự phối hợp giữa y tế, giáo dục, tư pháp, truyền thông, tổ chức đoàn thể… để tạo thành mạng lưới hỗ trợ đồng bộ. Đặc biệt, vai trò của cấp xã – nơi trực tiếp tiếp cận người dân – cần được phát huy thông qua các nhóm hành động cộng đồng, mạng lưới cộng tác viên, tổ truyền thông thôn bản.

Ngoài ra, việc thu thập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu cần được cải thiện để phát hiện sớm nguy cơ và điều chỉnh chính sách linh hoạt, kịp thời.

Giáo dục – chiếc chìa khóa thay đổi

Hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới… đã có quy định cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, tại vùng dân tộc thiểu số, pháp luật chưa phát huy hiệu quả do cán bộ thiếu hiểu biết, người dân không nắm luật, nhiều vụ việc bị xử lý nội bộ theo phong tục.

Các ý kiến cho rằng cần tăng cường giám sát thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ, đồng thời đưa luật đến gần người dân thông qua hình thức truyền thông phù hợp với văn hóa bản địa.

Hội thảo thu hút sự tham gia của 100 đại biểu đến từ nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ địa phương...

Hội thảo thu hút sự tham gia của 100 đại biểu đến từ nhiều trường đại học, Viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ địa phương...

Một trong những giải pháp then chốt là tăng cường tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái dân tộc thiểu số – nhóm dễ bị ép kết hôn khi bỏ học sớm. Việc cải thiện điều kiện nội trú, xây dựng trường học thân thiện, tích hợp giáo dục giới tính, kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa và phi chính quy được cho là những hướng đi hiệu quả.

Đồng thời, truyền thông và giáo dục cộng đồng cũng là hai yếu tố quan trọng giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tháo gỡ các rào cản văn hóa kéo dài hàng thế hệ.

Trao quyền cho trẻ em dân tộc thiểu số

Các tham luận tại hội thảo đều nhấn mạnh: phát triển bền vững không thể tách rời khỏi việc trao quyền cho trẻ em – đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số. Việc thúc đẩy quyền được học tập, lựa chọn và định hướng tương lai sẽ góp phần tạo nên một xã hội công bằng, bao trùm và phát triển lâu dài.

“Phát triển bền vững và trao quyền cho trẻ em dân tộc thiểu số là một quá trình toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành giữa giáo dục, y tế, chính sách xã hội và cộng đồng. Chỉ khi trẻ em – đặc biệt là trẻ em gái – được trao quyền thực sự, xã hội mới có thể tiến đến một tương lai bình đẳng, bao trùm và bền vững”, bà Hương nhận định.

Cao Ánh

comment Bình luận