Cẩn trọng nhiễm trùng sau khi mổ đẻ

Nhiễm trùng hậu sản là tai biến thường gặp khiến sản phụ bị chướng bụng, sản dịch ra ít, có mùi hôi, đau vết mổ, sưng tấy đỏ và sốt cao.
13/12/2020 15:30

Bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, khoa Sản, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, cho biết sinh mổ được chỉ định trong những trường hợp cụ thể như nhau tiền đạo, mẹ có khối u ở tử cung, buồng trứng hay nguy cơ tiền sản giật, ngôi ngược, khung chậu bất thường, tử cung đã có vết mổ... Sau sinh, sản phụ tiếp tục ở lại viện từ 3 đến 4 ngày để theo dõi và chăm sóc, tránh nguy cơ biến chứng hay di chứng sau mổ.

Theo bác sĩ, nhiễm trùng vết mổ là tai biến thường gặp nhất trong nhữngtai biến sản khoa. "Mặc dù các phác đồ điều trị sau mổ đã được hoàn thiện và nâng cao, tuy nhiên, vẫn không có bác sĩ sản nào dám khẳng định 100% không có nhiễm trùng", bác sĩ Dũng nói. "Điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có cả những yếu tố ngoài tầm kiểm soát như là cơ địa".

sinh mo

Bác sĩ Dũng (bên phải) cùng đồng nghiệp tiến hành ca sinh mổ tại Bệnh viện Bưu điện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thông thường, vi khuẩn gây nhiễm trùng vết mổ là liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, vi khuẩn yếm khí... Chúng thường xuyên có mặt ở môi trường xung quanh, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở gây nhiễm trùng. Mức độ nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào sức khỏe của sản phụ, độc tính của vi khuẩn và thời gian phát hiện, điều trị sớm hay muộn.

Khi bị nhiễm trùng vết mổ, sản phụ thường sốt cao 38-39 độ C, vết mổ chảy nước, đau hay cảm thấy đau tức vùng bụng dưới đặc biệt là xung quanh vết mổ, ngực bị cương đau...

Thông thường, những ngày đầu sau khi sinh mổ, sản phụ sẽ được y tá chăm sóc vết mổ và thay băng mỗi ngày. Trong quá trình này, các mẹ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh, thuốc co tử cung và giảm đau.

"Nếu vết mổ được xử lý tốt, chỉ sau 1-2 ngày là mẹ có thể cai thuốc giảm đau để ngăn ngừa nhiễm trùng vết mổ và các biến chứng nguy hiểm khác", bác sĩ Dũng chia sẻ.

Sang tuần thứ hai, vết mổ sẽ được kiểm tra lại và cắt chỉ. Sau đó, sản phụ tự chăm sóc vết mổ tại nhà. Cách chăm sóc vết mổ là tắm xong nên thấm khô nước xung quanh vết mổ. Khi tắm tránh để nước vào vết mổ,i dùng dung dịch Betadin hoặc Povidine 10% thấm lên bề mặt vết mổ để sát khuẩn, giúp vết mổ nhanh lành và tránh bị nhiễm trùng.

Không nên bịt kín vết mổ bằng bông băng, để hở và thoáng vết mổ sẽ nhanh lành hơn. Tránh ăn rau muống, lòng đỏ trứng, đồ nếp vì có thể gây sẹo lồi. Khi vết mổ lành hẳn mới sử dụng các loại kem trị sẹo.

Hạn chế làm việc nặng nhọc. Dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân đến khi vết mổ lành hẳn.

Bác sĩ khuyến cáo sản phụ sinh mổ vẫn tắm rửa bình thường, chỉ cần che kỹ hoặc tránh khu vực vết mổ. Tắm rửa không chỉ vệ sinh thân thể, còn giúp mẹ bầu thư giãn và tránh stress sau sinh. Khi tắm không đụng và chà xát vào vết mổ, lau khô người và dùng bông thấm khô vùng xung quanh vết mổ. Tuyệt đối không được thoa bất kỳ loại kem nào cho đến khi vết mổ lành hoàn toàn.

Theo bác sĩ, thời gian lý tưởng để có bầu lại sau khi sinh mổ là 18-23 tháng để vết sẹo tử cung hồi phục hoàn toàn. Thai phụ trên 35 tuổi, có thể có thai trở lại sớm hơn một chút, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi có kế hoạch sinh con tiếp theo.

Phụ nữ mang thai lần ba sau hai lần sinh mổ là nhóm nguy cơ cao, cần theo dõi thai kỳ cẩn thận để hạn chế tai biến, biến chứng nguy hiểm cho cả hai mẹ con.

Trên thực tế, mỗi người phụ nữ có tình trạng sức khỏe khác nhau nên thời gian phục hồi sau sinh mổ cũng khác nhau. Hầu hết đều sẽ thấy bớt đau sau khi tập đi lại một vài ngày và hồi phục hoàn toàn sau 6 tuần nghỉ ngơi hợp lý.

Nếu vết mổ bị căng tức, nhiễm trùng hay có bất thường, sản phụ cần đến bác sĩ khám, điều trị kịp thời.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer