Cẩn trong với những dịch vụ làm đẹp đón tết

Dịp cuối năm, khi khắp các spa, thẩm mỹ viện thi nhau quảng cáo “giảm giá làm đẹp đón Tết” cũng là thời điểm số ca biến chứng sau các liệu trình thẩm mỹ gia tăng tại Bệnh viện Da liễu T.Ư…
10/01/2021 15:25

Filler không hề rẻ, đã rẻ sẽ đi kèm rủi ro

Dịp cuối năm, chỉ cần lướt nhanh trên mạng có thể thấy hàng loạt quảng cáo “làm đẹp” bằng tiêm filler với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng.

Cụ thể, chỉ với giá 800 nghìn đồng, một spa làm đẹp tại quận Hoàn Kiếm đưa ra những lời quảng cáo có cánh như: filler nguồn gốc Hàn Quốc, bao chuẩn, không chứa silicon, giữ được từ 12-16 tháng, bảo hành vĩnh viễn; Nâng “mũi Tây” cao 1CC, má baby 2-4CC, môi hồng baby 1CC, tiêm đầy má hóp 1CC, làm cằm tài lộc 1-2CC…

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Đặng Bích Diệp, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu T.Ư không khỏi ngạc nhiên khi nhận được thông tin trên.

“Với filler được cung cấp bởi các đơn vị cung ứng có cấp phép của Bộ Y tế, chưa bao giờ có giá rẻ như vậy. Đó có thể là những loại filler không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chưa kể, nếu kỹ thuật tiêm filler không chuẩn, môi trường tiêm không đảm bảo thì hệ lụy khó lường”, BS. Diệp cảnh cáo.

BS. Bích Diệp cho hay, tại bệnh viện đã từng tiếp nhận không ít bệnh nhân biến chứng sau khi tiêm filler tại những cơ sở spa, nhẹ thì hoại tử vùng da tiêm, nặng thì mù mắt...

Đáng nhớ nhất là trường hợp nữ bệnh nhân trẻ tuổi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng 1 bên mắt tím đen, mất thị lực sau khi tiêm filler nâng mũi.

Nguyên nhân được xác định do kỹ thuật tiêm không đạt chuẩn, bệnh nhân bị thêm thẳng vào máu động mạch. Filler sau đó chạy lên một số nhánh máu của động mạch võng mạc trung tâm mắt gây tắc khiến mù mắt…

Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Quang Minh, Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết: “Filler chỉ phát huy tác dụng trong giới hạn nhất định, do vậy nhiều chị em có suy nghĩ sử dụng những thứ rẻ tiền, không quan tâm tới sự an toàn và tính mạng của mình và đây là suy nghĩ sai lầm. Đa phần các ca tai biến sau tiêm filler mà bệnh viện tiếp nhận đều được thực hiện tại các spa”.

Một chuyên gia da liễu thẩm mỹ cho hay, tiêm filler nhìn sơ qua có vẻ đơn giản nên rất nhiều nhân viên cơ sở spa không được đào tạo cơ bản vẫn tiêm cho khách, cứ lõm đâu tiêm đó. Hệ quả, rất nhiều biến chứng đã xảy ra trong thời gian qua như mù mắt, hoại tử mũi, da...

Có 2 biến chứng chính do filler gây ra. Biến chứng sớm thường gặp đó là hoại tử các tổ chức do người tiêm không hiểu rõ cấu trúc giải phẫu vùng mặt và kỹ thuật tiêm.

Vì vậy filler chui vào động mạch gây thiếu máu, hoại tử do tắc mạch. Biến chứng xảy ra ngay lập tức sau khi tiêm. Bệnh nhân thấy đau buốt, da tím đỏ, nổi phỏng nước, mắt nhìn mờ...

Việc tiêm thuốc tan filler chỉ có hiệu quả vừa phải trong trường hợp filler là Hyluaronic acid. Với các loại filler khác thì không có thuốc tiêm tan.

Một biến chứng vô cùng quan trọng mà người tiêm, khách hàng, thậm chí một số bác sĩ cũng không biết đó là phản ứng miễn dịch loại trừ của cơ thể đối với chất lạ (filler). Phản ứng này xuất hiện từ từ sau nhiều năm, tạo ra các u cục, biến dạng vùng tiêm, thậm chí hoá mủ để đào thải ra khỏi cơ thể.…

“Để phòng tránh biến chứng muộn, chỉ có một cách duy nhất là sử dụng filler loại tốt của các hãng có uy tín đã được thử nghiệm lâu dài. Các filler này được điều chế theo công nghệ Enzym tái tổ hợp (giống như điều chế vaccine viêm gan B hiện nay). Filler này có độ tương thích rất cao với cơ thể, sau một thời gian sẽ tự tiêu dần đi. Nhược điểm của nó là đắt tiền so với filler được điều chế trực tiếp từ da động vật. Đồng thời, phải lựa chọn cơ sở uy tín có bác sĩ chuyên môn”, vị chuyên gia cho biết.

Hệ lụy sau mong muốn “môi hồng suốt ngày”

img-bgt-2021-xam-moi3-1610031554-width1280height1039

Theo BS Diệp, Bệnh viện Da liễu T.Ư từng tiếp nhận bệnh nhân nữ (33 tuổi) vào viện trong tình trạng phát ban toàn thân, trước đó 2 tuần có xăm môi. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân này xuất hiện tổn thương Herpes ở môi sau khi xăm 3 ngày.

Sau đó bệnh nhân tự mua thuốc Acyclovir 1,6g, chỉ dùng trong 2 ngày và bôi kháng sinh tại chỗ thì thấy hết tổn thương ở môi sau 1 tuần.

Tuy nhiên, 1 tuần sau đó, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dát đỏ vùng cẳng, bàn tay 2 bên, ngứa nhiều, sau đó rải rác thân mình.

Qua thăm khám và hỏi bệnh, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp hồng ban đa dạng điển hình mà căn nguyên do nhiễm Herpes sau phun xăm môi.

BS. Bích Diệp cho hay, xăm môi được nhiều chị em lựa chọn vì lợi ích “môi hồng suốt ngày” nhất là vào dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận không ít các trường hợp biến chứng sau xăm môi, thường gặp nhất là nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ hoặc xăm hỏng, lệch gây sẹo vĩnh viễn…

Chất lượng mực xăm không rõ nguồn gốc có thể gây viêm da tiếp xúc, đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm. Hoặc quá trình phun xăm, nếu không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, không thay kim có thể lây truyền các bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B, C…

Biến chứng nặng nhất khi phun xăm là sốc thuốc tiêm, phản ứng với thuốc tê… Nguyên nhân thường do quá trình ủ tê mất nhiều thời gian, nhiều cơ sở đã tiêm thuốc tê để tiến hành nhanh hơn.

Theo báo Giao thông

comment Bình luận

largeer