Cảnh báo chấn thương thận kín ở trẻ em do tai nạn

BS.CK2 Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Thận-Niệu bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ, chấn thương thận kín là tình trạng thận bị tổn thương do tác động lực từ đằng trước hoặc sau vào hố thận. Được phân thành 5 mức độ từ nhẹ đến nặng, từ mức độ 3 trở đi là mức độ cần cảnh giác và ở mức độ nặng nhất có khả năng gây vỡ thận.
14/07/2023 08:42

Phần lớn thận của trẻ bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt khiến trẻ bị té, va đập phần hông, bụng, lưng và những tai nạn khác. Trẻ thường được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương (vỡ gan, lách, thận,…) do tai nạn giao thông, hoặc đi tiểu ra máu sau khi va đập, té, ngã.

benh-than_3

(Ảnh: Bệnh viện Minh Anh)

Về phương pháp điều trị hiện nay tùy theo mức độ nhưng thường là điều trị bảo tồn, không phẫu thuật. Trẻ sẽ được nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động và được theo dõi cho đến khi không còn tiểu ra máu. Tuy nhiên, nếu có biến chứng nặng hoặc chấn thương quá mạnh, trẻ cần cắt bỏ phần thận bị tổn thương.

Liên quan vấn đề này, bác sĩ Trưởng khoa Thận Niệu cho biết từng tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhi L.V.D (15 tuổi, ngụ Đồng Nai), bị chấn thương thận kín vì tai nạn giao thông. Dù đã cho ra viện nhưng D. được dặn dò không nên vận động mạnh hay tham gia các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức và tránh để bị táo bón. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến vết thương, nếu nặng có thể dẫn đến vỡ thận thứ phát, lúc này các bác sĩ phải can thiệp cắt bỏ thận.

Từ những hệ lụy trên, bác sĩ Đức khuyến cáo các bậc phụ huynh thường xuyên nhắc nhở con trẻ cẩn thận khi chơi đùa, tuyệt đối hạn chế té, ngã, va đập. Khi tham gia giao thông cũng hết sức đảm bảo an toàn cho mình và con trẻ để không mắc phải sự cố nguy hiểm đến thận mà còn các bộ phận khác cũng như cả tính mạng.

Theo Bệnh viện Nhi Đồng 2

comment Bình luận

largeer