Cảnh báo những dấu hiệu diễn tiến nặng ở bệnh nhân COVID-19 trẻ

Đợt dịch này Việt Nam đã ghi nhận 9 ca tử vong, trong đó một trường hợp bệnh nhân trẻ mới 38 tuổi, chưa xác định bệnh nền, nhưng diễn tiến tử vong nhanh.
26/05/2021 22:12

Theo PGS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nay trên thế giới các chuyên gia đều cảnh báo chủng virus mới của Ấn Độ có tỷ lệ lây nhiễm nhanh, làm cho các cá thể bệnh có biểu hiện, diễn tiến khác nhau. Có lúc virus lây truyền rất nhanh, nhưng có lúc lại chậm. Có bệnh nhân chỉ 1 ngày đã dương tính, có người 2 lần âm tính, đến lần thứ 3 mới dương tính.

182308426_10215549408047606_7735-1620377285539

Làn sóng COVID-19 thứ tư ở Việt Nam có nhiều bệnh nhân diễn biến nặng khá nhanh, có bệnh nhân trẻ đã tử vong.

PGS Khuê cho biết đối với bệnh nhân nhẹ diễn biến nhanh sẽ rất nguy hiểm, do đó, cần có bộ cảnh báo dấu hiệu để nhận biết. 

PGS Khuê cho biết Tiểu Ban điều trị COVID-19 sắp tới sẽ công bố 5 tiêu chí cảnh báo bệnh nhân có dấu hiệu nặng lên.

Một trong nhưng dấu hiệu sớm có thể thấy đó là bệnh nhân có nhịp thở tăng hơn bình thường, đó chính có dấu hiệu khó thở. PGS Khuê cho rằng đây là dấu hiệu cực kỳ quan trọng, bác sĩ điều trị không thể chủ quan. Ví dụ như trong ngày hội chẩn 25/5, có bệnh nhân trẻ chỉ số oxy máu đạt 99%, mức độ ổn định nhưng có dấu hiệu khó thở, nhịp thở tăng 22 lần. Nếu các thầy thuốc chỉ nhìn trên máy báo oxy 99% và không để ý kỹ, bệnh nhân có thể diễn tiến nặng lên nhanh. Vì vậy, việc đưa ra các tiêu chí cảnh báo sớm bệnh đang nặng lên là rất quan trọng.

bs-1621939619510357944178

Ảnh minh họa

Theo PGS Khuê, các chuyên gia cùng GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia về Hồi sức tích cực,  đang họp thảo luận và sẽ sớm thống nhất, đưa ra 5 tiêu chí cảnh báo bệnh diễn tiến nặng liên quan đến nhịp thở, mạch, huyết áp.... Qua đó, các bác sĩ có thể tiên lượng những ca có nguy cơ diễn biến nặng sớm nhất, kịp thời can thiệp điều trị để tránh nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Các tiêu chí này sẽ được xây dựng trên một phần mềm có thể sử dụng rộng rãi trong các cơ sở điều trị COVID-19

Cũng theo PGS Khuê, trong số các bệnh nhân đang điều trị có dưới 80% số ca ít có triệu chứng, cơ thể người bệnh ít biến đổi, sốt nhẹ, hơi mệt, biểu hiện viêm phổi chưa có. Tuy nhiên, chuyên gia nói các bác sĩ vẫn cần cảnh giác, vẫn cần đưa những bệnh nhân này vào các khu điều trị để quan sát.

20% bệnh nhân còn lại sẽ diễn tiến nặng. Trong số này có một nửa có diễn tiến ho, sốt, khó thở chuyển sang cấp cứu, 5% chuyển nặng, 5% nữa rất nặng. Khi có các cảnh báo "đỏ" về tình trạng nặng này, bệnh nhân sẽ được các chuyên gia của Bộ Y tế chuyển thông tin qua phần mềm trí tuệ nhân tạo.

PGS Khuê cho biết, Bộ Y tế sẽ đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo để nhận biết, sàng lọc các F1 có thể trở thành F0, giúp phát hiện sớm F0.

Bộ Y tế đã có kịch bản 30.000 ca mắc, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ xây dựng phương án 4 tại chỗ ở các tỉnh, sẽ có trung tâm cấp cứu trực tuyến được thành lập theo tỷ lệ mắc ở các tỉnh để kết hợp kinh nghiêm chống dịch của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.

Khi số bệnh nhân đang tăng lên đột biến thì cần tập trung trí tuệ để cố gắng giảm bệnh nhân tử vong, hỗ trợ cơ sở khám chữa bệnh ở tâm dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi các cơ sở y tế. Ông đề nghị các địa phương khẩn trương củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy thở, hệ thống ôxy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh/TP và các bệnh viện được phân công thu dung điều trị ca bệnh COVID-19 . Các tỉnh/TP chưa phát hiện ca bệnh COVID-19 lập tức cử ngay các kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối (hoặc đào tạo trực tuyến).

Sở Y tế và các bệnh viện báo cáo diễn biến ca bệnh hằng ngày, năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực trên phần mềm trực tuyến cdc.kcb.vn theo hướng dẫn của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án phân công ít nhất một bệnh viện trong địa bàn làm bệnh viện dã chiến (căn cứ theo quy mô dân số địa phương), trong đó có bố trí khu cấp cứu, hồi sức tích cực và chuẩn bị các trang thiết bị, khí y tế và các điều kiện khác.

 

Trần Vũ - TH

comment Bình luận

largeer